Những điều khoản chính của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2024
Theo Thứ trưởng phụ trách luật pháp và cải cách thể chế thuộc Văn phòng Thủ tướng M. Kulasegaran, những sửa đổi mới được thông qua của Bộ luật Hình sự được thiết kế để buộc những kẻ phạm tội lừa đảo trực tuyến phải chịu trách nhiệm thông qua các quy định pháp lý nghiêm ngặt. Ông nhấn mạnh việc đưa ra các Mục 424, 424(c) và 424(b), mở rộng phạm vi của luật để bao gồm cả các cá nhân gián tiếp tham gia vào hoạt động lừa đảo. Động thái mở rộng trách nhiệm giải trình pháp lý này được đánh giá là bước đi quan trọng giúp bảo đảm thực thi pháp luật toàn diện đối với tất cả các bên liên quan đến gian lận trực tuyến.
Cụ thể, Mục 424 đề cập đến sự tham gia của các cá nhân trong việc xử lý hoặc che giấu tài sản có được từ các hoạt động gian lận. Bằng cách nhắm vào những kẻ tạo điều kiện cho việc sử dụng hoặc che giấu các khoản tiền bất hợp pháp, luật muốn triệt phá mạng lưới tạo thuận lợi cho những kẻ lừa đảo hoạt động. Trong khi đó, Mục 424(c) mở rộng trách nhiệm pháp lý đối với những kẻ gián tiếp tiếp tay, hỗ trợ các âm mưu lừa đảo, bao gồm các cá nhân hoặc tổ chức cung cấp hỗ trợ về hậu cần, tài chính hoặc công nghệ cho những kẻ lừa đảo chính. Tương tự như Mục 424(c), Mục 424(b) đề cập đến sự đồng lõa của các tác nhân thứ yếu trong các hoạt động lừa đảo, bảo đảm rằng tất cả các bên hưởng lợi hoặc góp phần vào hành vi lừa đảo trực tuyến đều phải đối mặt sự trừng phạt của pháp luật.
Quyền tạm giữ tài sản theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2024
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2024 cũng đưa ra các quyền tịch thu tài sản quan trọng nhằm cản trở hoạt động tài chính của những kẻ lừa đảo. Sửa đổi mới trao quyền tịch thu tài sản cho Cảnh sát Hoàng gia Malaysia (PDRM) để ngăn chặn việc rút tiền hoặc sử dụng số tiền có được thông qua các phương tiện gian lận.
Thứ trưởng Kulasegaran cho hay, quyền tịch thu tài sản chỉ được cấp cho các sĩ quan cảnh sát có cấp bậc trung sĩ trở lên. Điều đó bảo đảm thẩm quyền thu giữ tài sản được trao cho các quan chức có kinh nghiệm và cấp cao, từ đó duy trì tính liêm chính lẫn trách nhiệm giải trình của quy trình.
Một trong những khía cạnh quan trọng của Bộ luật Hình sự sửa đổi là tác động tích cực của nó đối với các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Quy định về thu giữ tài sản đã tạo ra lộ trình để thu hồi số tiền bị đánh cắp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn trả cho các nạn nhân. Bằng cách trao quyền cho PDRM truy tìm và xác định các khoản tiền được chuyển đi từ các nạn nhân, quy định sẽ nâng cao khả năng trả lại tiền cho họ. Ngoài ra, việc các cảnh sát được trao quyền thu giữ tiền từ cả tài khoản ngân hàng thông thường lẫn ví điện tử nhấn mạnh đến tính chất toàn diện của sửa đổi mới trong việc giải quyết các cơ chế gian lận tài chính hiện đại.
Theo các nhà phân tích, động thái thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi 2024 của Thượng viện Malaysia thể hiện cam kết lập pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của gian lận trực tuyến, bảo đảm hệ thống pháp luật phát triển song song với tiến bộ công nghệ và đối phó hiệu quả các chiến thuật gian lận mới nổi.
Theo Straitstimes, gian lận trực tuyến ở Malaysia đã gia tăng đáng kể, với số vụ tăng gấp đôi trong hơn 5 năm qua. Năm 2019, nước này xảy ra 17.668 vụ gian lận trực tuyến, song đã tăng lên 34.495 vụ vào năm 2023, tương đương mức tăng 95,2%. Còn theo Malay Mail, từ tháng 1 đến tháng 11. 2023, có 32.462 vụ gian lận trực tuyến ở quốc gia Đông Nam Á này, gây thiệt hại lên tới 1,3 tỷ RM (khoảng 642 triệu USD). Trong đó, tội phạm thương mại điện tử chiếm số lượng lớn nhất với 10.993 vụ, tiếp theo là tội phạm viễn thông (9.526 vụ), đầu tư lừa đảo (5.036 vụ), cho vay không tồn tại (4.018 vụ), tội phạm tài chính điện tử (2.006 vụ) và lừa đảo tình cảm (883 vụ).