Luồng sinh khí mới

- Chủ Nhật, 12/12/2021, 06:10 - Chia sẻ
“Không phải bằng mọi giá tổ chức kỳ họp bất thường, phải bảo đảm chất lượng, yêu cầu đề ra mới tổ chức và hoàn thiện nội dung nào thì trình Quốc hội nội dung đó”. Quan điểm này một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp sáng 10.12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng cho 4 vấn đề dự kiến được xem xét tại kỳ họp bất thường, đồng thời phải bố trí đủ thời gian để Quốc hội thảo luận. Với yêu cầu này, Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội sẽ rất áp lực và chắc chắn các nội dung trình tại kỳ họp bất thường sẽ được chuẩn bị tốt nhất có thể.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều dẫn chứng cho thấy luồng sinh khí mới đang chảy tràn trong hoạt động của Quốc hội, hướng đến mục tiêu “không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” nhằm “phụng sự tốt nhất lợi ích của tổ quốc, dân tộc, hạnh phúc của nhân dân” như lời tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Bằng việc ưu tiên ngân sách và trao quyền chủ động hơn cho Chính phủ để tăng cường phòng chống dịch, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19… Điều này đã thể hiện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch Covid-19.

Quốc hội luôn chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa và huy động tối đa trí tuệ, chất xám của các nhà khoa học, các chuyên gia để nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021” ngày 5.12 là một ví dụ. Chắc chắn, Chính phủ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin Quốc hội yêu cầu khi trình gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, các căn cứ khoa học, bối cảnh trong nước và quốc tế, những thực tiễn sinh động được thu thập độc lập tại Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Quốc hội và các đại biểu đánh giá thực chất vấn đề và đưa ra quyết sách đúng.

Trong những dấu ấn đổi mới không thể không nhắc tới việc “Quốc hội điện tử” đang tiến dần đến ý nghĩa cốt lõi nhất, đó là tăng hiệu quả kết nối và tương tác giữa đại biểu với cử tri; tăng khả năng tham gia của các nhóm chuyên gia và các nhà khoa học khi Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề chính sách thông qua ứng dụng công nghệ. Thực tế, ở nhiệm kỳ này, nhiều đại biểu và một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri; các chuyên gia, nhà khoa học ở Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ… đã dự họp và góp ý trực tiếp cho Quốc hội thay vì dự họp trực tiếp tại Nhà Quốc hội. Như vậy, rất có thể một ngày không xa nữa, những chủ rừng ở địa đầu Hà Giang hay đất mũi Cà Mau xa xôi có thể tham gia họp trực tuyến để chia sẻ vấn đề, ý kiến của mình khi Quốc hội giải trình, chất vấn về chính sách lâm nghiệp; hoặc người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… có thể góp tiếng nói trong chính sách về bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Hai tuần nữa, Quốc hội Khóa XV sẽ kết thúc năm đầu tiên của nhiệm kỳ với những đổi mới mạnh mẽ, thực chất nhằm “phụng sự tốt nhất lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, hạnh phúc của nhân dân”. Dù chặng đường còn dài nhưng luồng sinh khí mới trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đang củng cố niềm tin về một nhiệm kỳ Quốc hội sẽ ghi đậm dấu ấn trong lịch sử!

Hà Lan