Luồng sinh khí mới

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 06:12 - Chia sẻ
Con đường đổi mới giáo dục đại học Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai tự chủ. Nhận diện đúng thực trạng, tháo gỡ trúng nút thắt... để tạo ra luồng sinh khí mới khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

Khoảng cách không nhỏ

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã thực sự mang lại lợi nhuận, đáng kể nhất là về con người”. Đó là nhận định của ông Christophe Lemiere, Quản lý chương trình phát triển con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khi mở đầu phiên thảo luận chung, Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” ngày 27.11. Bằng quan sát, so sánh số liệu, ông Christophe nhìn ra thành tựu về khả năng tiếp cận đối với giáo dục đại học (GDĐH), thành tích của GDĐH, trình độ đội ngũ giảng viên... tăng lên đáng kể, tính từ dấu mốc năm 2014, khi câu chuyện tự chủ được đặt ra, cụ thể hóa trong Nghị quyết số 77/NQ-CP. Tuy nhiên, suốt quá trình đó tới nay, kết quả của GDĐH vẫn thấp hơn so với kỳ vọng, so với yêu cầu ngày càng lớn của Việt Nam về nguồn nhân lực chất lượng cao, so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới.

Phiên thảo luận chuyên đề “Tự chủ tài chính trong giáo dục đại học”
Ảnh: Quang Khánh

Thực tế, tự chủ đại học là vấn đề ít nhiều được đề cập từ rất sớm trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, song trên thực tế vẫn tồn tại một khoảng cách dai dẳng giữa tự chủ trên văn bản với thực tiễn thi hành. Ngay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được nhận định là có nhiều quy định tiến bộ, dù đã cố gắng chi tiết hóa nhiều nội dung liên quan đến cơ chế tổ chức triển khai thực hiện, vẫn vấp phải những rào cản cố hữu, do tồn tại bất cập cả trong nhận thức, thể chế và năng lực thực hiện. Ý kiến của đa số đại biểu cho rằng, việc rút ngắn khoảng cách này không đơn giản, đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế thực hiện thuận lợi, cung cấp nguồn lực cần thiết, cũng như nâng cao năng lực cho các cơ sở GDĐH.

Tiếp cận từ góc độ quy định pháp luật về tự chủ đại học ở Việt Nam, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ ra: “Tự chủ là tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản, xin - cho, nhưng nhiều trường còn e ngại. Luật đã mở ra con đường thông thoáng nhưng nhiều văn bản dưới luật còn là điểm nghẽn, là nút cổ chai giới hạn quyền tự chủ; nhiều quy định theo luật khác có liên quan đang trở thành rào cản của tự chủ, chưa kể, Luật số 34/2018/QH14 cũng còn có một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện, làm sao phù hợp hơn nữa với thực tế... Đó là hàng loạt vấn đề đặt ra”.

GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiếp nối bằng phân tích sâu về hội đồng trường. Với các trường, một khi Hội đồng trường chưa có thực quyền, chưa đủ mạnh, được thành lập do thúc ép hành chính nào đó thì chỉ là một thiết chế “hữu danh vô thực”, mang tính hình thức. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhìn chung các trường đại học không muốn bỏ cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản chưa muốn buông các trường trực thuộc, dẫn đến thiết chế quan trọng của tự chủ là hội đồng trường không thực quyền. Đó là vấn đề do lịch sử để lại, do quan niệm xã hội, do thiết kế mô hình, do hệ thống quản trị bị phân mảnh và do một số vấn đề về cơ chế định hướng thị trường chưa được làm rõ... ”.

Đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập

Rõ ràng, nền tảng cho phát triển GDĐH đòi hỏi rất nhiều yếu tố tác động và hỗ trợ một cách hài hòa, chuyên nghiệp trên không gian hội nhập sâu và rộng. Nhìn lại, câu chuyện tự chủ đại học ở Việt Nam đã được khởi động, gắn với thí điểm mở rộng dần từ tự chủ tài chính tới tự chủ toàn diện về học thuật, về tổ chức - nhân sự. TS. Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing đánh giá tự chủ đại học đang đi đúng hướng, trở thành động lực nâng cao chất lượng GDĐH: “Chúng ta đều hiểu rằng, trao quyền tự chủ không phải để các trường tự túc mà chính là tập trung để các cơ sở có được nguồn lực tốt hơn cho phát triển”.

Để có được nguồn lực tốt hơn cho sự phát triển, theo PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đầu tư cho GDĐH cần được đặc biệt xem trọng. Từ kinh nghiệm thực tiễn, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt cho rằng, thể chế tự chủ mở ra, các trường đại học muốn đi nhanh, lớn mạnh, rất cần sự đồng hành của Nhà nước theo từng lộ trình phát triển của GDĐH. “Đầu tư của Nhà nước cho GDĐH là cần thiết để nâng cao chất lượng, đưa GDĐH hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đã có những tín hiệu đáng mừng song cần làm mạnh hơn nữa, cần rà soát cơ chế phân bổ đầu tư, đánh giá hiệu quả, sự phù hợp với yêu cầu, tốc độ phát triển đại học tiệm cận thế giới...”.

Dẫn chứng từ câu chuyện học phí, PGS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhận định, vấn đề học phí nhiều hay ít không chỉ phụ thuộc vào các trường mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nước trong đào tạo. Bởi lẽ, mặc dù được tự chủ nhưng với trách nhiệm của cơ sở công lập trọng điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, trường chưa dám tính đủ và đúng hết chi phí cho các chương trình chất lượng cao với đội ngũ giảng viên giỏi, trình độ tốt… Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. “Năm qua, nhà trường phải bù lỗ rất nhiều để vẫn giữ học phí ở mức độ cho phép. Ở đây là bù lỗ từ nguồn lực dành cho đổi mới, cải tiến chương trình, từ các khoản chi phí trả lương, thu nhập... Đấy là chưa nói, áp lực kinh phí không chỉ dành cho đào tạo hiện hành mà còn phải đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập”.

Có thể thấy, thách thức của đổi mới, áp lực từ phát triển, hội nhập là không nhỏ đối với các cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ. Như nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện tự chủ đại học Việt Nam thời gian qua, để “gạn đục khơi trong”, khuyến khích, tạo dựng hệ sinh thái cho GDĐH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình: “Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa phát triển, lúc này động lực lớn nhất chính là con người - tức nguồn nhân lực có được từ đào tạo. Giờ đây, cánh cửa tự chủ đã thực sự mở ra, nhận thức, khắc phục tốt những tồn tại, đặt tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội và sự công khai minh bạch chính là giải phóng năng lượng cho GDĐH phát triển”.

Nâng cao năng lực làm chủ của mỗi cá nhân, tổ chức

Mô hình đại học tự chủ là một chủ trương lớn đã được luật hóa. Đối với các cơ sở GDĐH, để thực hiện thành công, phải đổi mới tư duy quản lý và nâng cao năng lực làm chủ của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong nhà trường. Tự chủ chỉ thành công khi từ người lãnh đạo tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động trong trường nhận thức đầy đủ về tự chủ, thống nhất quan điểm trong xây dựng cơ chế quản trị, đặt nhiệm vụ hoàn thành sứ mạng của trường lên trên hết, trên nguyên tắc: Công khai, minh bạch, đúng luật định và giữ gìn giá trị cốt lõi của nhà trường. Từ đó, phát huy các tổ chức lãnh đạo trong nhà trường, đặc biệt là bảo đảm các điều kiện cần thiết để cơ chế quản trị của hội đồng trường hiệu quả, thực hiện đúng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình.

PGS.TS. Nguyễn Mai Hương,
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Mở Hà Nội

Nên trao quyền quản lý tài sản cho hội đồng trường

Tài sản trường đại học có thể chia thành ba khối: Thứ nhất là đất đai, do Hiến pháp quy định là thuộc sở hữu toàn dân, và do Nhà nước đại diện; thứ hai là thiết bị công trình được đầu tư qua ngân sách, được tích lũy dần qua nhiều thế hệ, đó là tài sản chung của xã hội, cộng đồng nhà trường; thứ ba là tài sản vô hình, gồm thương hiệu, danh tiếng, đội ngũ, truyền thông, người học, là tài sản chung của cộng đồng nhà trường và xã hội. Vậy khi thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm đó thuộc về ai? Thay vì bất cập khi Nhà nước nắm quyền sở hữu tài sản, dẫn đến vấn đề quản lý đầu tư, mua sắm hình thức, không thực chất, cản trở việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản và không rõ trách nhiệm tái đầu tư thiết bị và công trình xây dựng, nên trao quyền quản lý/định đoạt tài sản cho hội đồng trường (trừ đất đai) trên nguyên tắc bảo toàn giá trị và phát triển tài sản.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường,
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Thái Minh ghi

Lê Thư