Lực lượng chính vun đắp văn hóa nhà trường

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 14:47 - Chia sẻ
TS. Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, nâng cao và tôn trọng vị thế giáo viên là một trong những nội dung cần được chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

Theo UNESCO, vị thế nhà giáo được hiểu “một mặt là sự trọng thị, thể hiện ở mức độ đánh giá cao tầm quan trọng của chức năng giáo dục và năng lực cần có để thực hiện chức năng của nhà giáo; mặt khác là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác được quy định cho họ trong tương quan với những nhóm nghề nghiệp khác”. Nói cách khác, có hai yếu tố chính thể hiện vị thế nhà giáo: (1) Mức lương và thu nhập trung bình của giáo viên; (2) Nhận thức của xã hội về trách nhiệm và vai trò giáo dục của nhà giáo.

Để nhà giáo toàn tâm, toàn ý giảng dạy 

Giáo viên là yếu tố quan trọng tác động đến văn hóa của nhà trường
Ảnh: Nld.vn

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng chính để xây dựng và vun đắp cho văn hóa nhà trường. Một trong những yếu tố quan trọng của người giáo viên nhằm góp phần xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh đó là yếu tố về nhân cách, đạo đức của người thầy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đạo đức và nhân cách của từng giáo viên là yếu tố quan trọng tác động đến văn hóa tích cực của nhà trường và ngược lại văn hóa tích cực của nhà trường tác động trở lại nhân cách và đạo đức của giáo viên.

Giáo viên phải là những người cần toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình mới có thể góp phần xây dựng văn hóa nhà trường tích cực, và người hưởng lợi trực tiếp đó chính là học sinh và gián tiếp là toàn xã hội. Tuy nhiên, mức lương như hiện nay khiến họ chưa yên tâm công hiến và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập dẫn đến khó duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo.

Động lực làm việc của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và gián tiếp ảnh hưởng đến văn hóa nhà trường. Thực tế là có rất nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức của giáo viên được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông, ví dụ như không thực hiện hết trách nhiệm của giáo viên ở trên lớp để ép buộc học sinh học thêm. Ngoài lý do như “không trau dồi về đạo đức của nhà giáo”, “không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của giáo viên” thì có một thực tế chúng ta cần chỉ rõ: Mức lương của giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống cũng là một yếu tố trực tiếp thúc đẩy những hiện tượng xấu trong giáo dục. 

Ngoài việc cần tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của giáo viên; lắng nghe và sử dụng ý kiến góp ý, xây dựng môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của họ vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng, củng cố mối hệ gắn bó giữa giáo viên với học sinh, với đồng nghiệp và nhà trường thì yếu tố “lương và thu nhập” cần được cải thiện. Và như thế, khi môi trường sư phạm mẫu mực được xây dựng trong các nhà trường, giáo viên được tôn vinh, mức lương đủ tốt để đáp ứng cuộc sống thì việc lựa chọn ngành sư phạm để trở thành nhà giáo trong tương lai sẽ được nhiều học sinh xuất sắc lựa chọn. Với đối tượng tuyển sinh tốt, môi trường đào tạo tốt, chắc chắn chất lượng giáo viên trong tương lai sẽ được cải thiện. Và đó cũng là cách để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực. 

Nhận thức của xã hội với vị thế nhà giáo

Thời gian qua, nhiều vấn đề về giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, làm ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội về nhà giáo làm ảnh hướng đến giáo dục nói chung và vị thế nhà giáo nói riêng. Những cách ứng xử thiếu tôn trọng nhà giáo của xã hội ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa nhà trường, làm cho hình ảnh của nhà trường và nhà giáo bị méo mó. Ví dụ, bắt nhà giáo quỳ xin lỗi, hành hung và xúc phạm nhà giáo của phụ huynh và có nhiều trường hợp học sinh hành hung giáo viên... Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến vị thế của nhà giáo, mà cụ thể là đánh giá của xã hội với nghề giáo nói chung không còn là truyền thống “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Quay trở lại những giá trị truyền thống của dân tộc đối với vị thế nhà giáo

Ảnh: vietnammoi.vn

Văn hóa nhà trường thiếu đi sự tôn nghiêm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế nhà giáo mà đáng lẽ ra là vị thế của những người làm “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo vì nó tạo ra những con người sáng tạo” (lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), phải tuyệt đối được bảo vệ.

Trong rất nhiều nguyên nhân, một phần cũng xuất phát từ những quy định kỷ luật học sinh, như thầy cô không được trách phạt học trò, không được nhắc nhở trước lớp, không có hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Ngoài ra, sự nuông chiều của gia đính, sự bất hợp tác của phụ huynh với nhà trường cũng một phần ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường giáo dục “trọng thầy” như truyền thống của dân tộc. Có nhiều bài báo đã chỉ ra rằng: “Học sinh luôn trở thành trung tâm, thành “thượng đế” mà thầy cô chỉ đóng vai trò phục vụ”. 

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại “nhận thức của xã hội đối với vị thế của nhà giáo” để quay trở lại với những giá trị truyền thống của dân tộc đối với vị thế nhà giáo. Mở cửa, hội nhập, thực hiện giáo dục hiện đại không có nghĩa là phủ nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp về giáo dục và nhà giáo mà đã tồn tại ở xã hội Việt Nam cả trăm năm. Trong đó, phải luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tương đồng với giá trị truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể của Việt Nam. Những quy định mà là một trong các nguyên nhân làm thầy/cô bất lực với những học trò hư và giáo viên chỉ còn cách im lặng thì phải xem xét và sửa đổi. Khi không có kỷ luật nghiêm khắc, bạo hành học đường cũng khó chấm dứt.

Chính phủ cần cải tiến chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhà giáo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt cá nhân cho nhà giáo, nhất là nhà giáo vùng nông thôn và khu vực hẻo lánh. Nâng cao đời sống cho giáo viên qua chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác nhằm hai mục đích: Khẳng định và nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay; tạo động lực làm việc, giúp đội ngũ nhà giáo toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, thúc đẩy các nhu cầu cao hơn (nhu cầu công hiến, nhu cầu cao nhất trong 5 nhu cầu của Bậc thang nhu cầu của Maslow). Đây là hai yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

Ng. Phương