Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế ở Yên Bái:

Đồng thuận để thành công - Bài 2: Cái gốc con người

- Thứ Tư, 16/02/2022, 11:35 - Chia sẻ
Tinh giản biên chế chưa bao giờ và chưa ở đâu là chuyện đơn giản. Với ngành giáo dục Yên Bái, chưa xa là câu chuyện huyện Yên Bình tự ý vượt quyền tuyển dụng thừa mấy trăm giáo viên khiến tỉnh phải xắn tay giải quyết. Nhưng lần này, giáo dục cùng với y tế lại là những ngành đi đầu giải quyết bài toán cải cách bộ máy, tinh giản biên chế hiệu quả.

“Tình đồng nghiệp và vì cái chung”

- Ban đầu cũng vất vả lắm anh ạ - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Luyện Hữu Chung trải lòng - Khi sở lập các đoàn xuống từng trường để phổ biến chủ trương, nhất là việc sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo cũng không ít ý kiến băn khoăn. Có trường hợp vừa trình bày, vừa khóc.  Dễ hiểu thôi, nhiều thầy cô phấn đấu bao năm, lên đến hiệu trưởng hiệu phó, giờ sắp xếp lại, xuống giáo viên thường, không tránh khỏi tâm tư. Việc cần thiết và phải làm nhưng chúng tôi xác định làm sao để các thầy cô ý thức được trách nhiệm chung, làm trên tinh thần đồng nghiệp với nhau chứ không áp đặt kiểu mệnh lệnh cấp trên, cấp dưới…

Cán bộ ngành y tế khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo thôn Khe Căng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn

Lấy tình đồng nghiệp và trách nhiệm với cái chung làm trọng! Chỉ một nguyên lý ấy thôi nhưng thực hiện không hề đơn giản. Mỗi xã trước đây có hai trường tiểu học hay THCS nay sáp nhập còn mỗi loại một trường. Có xã sáp nhập trường tiểu học với THCS thành trường tiểu học và THCS. Hai hiệu trưởng nay chỉ còn một, bốn hiệu phó nay chỉ bố trí hai. Từ tỉnh đến huyện quán triệt nghiêm túc các quy định công tác cán bộ, tiến hành thảo luận, bỏ phiếu công tâm, khách quan. Ai được tín nhiệm, bảo đảm tiêu chuẩn thì bổ nhiệm, ai không đạt thì làm tốt công tác tư tưởng để yên tâm nhận nhiệm vụ mới. Trường hợp chỉ còn 1 - 2 năm công tác, sở thống nhất với các địa phương giữ nguyên chức vụ đến khi nghỉ hưu. Lại có trường hợp phải vận dụng đưa cán bộ quản lý xuống làm giáo viên đứng lớp nhưng vẫn giữ nguyên phụ cấp cho đến hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ…

Giám đốc Sở GD - ĐT Vương Văn Bằng vừa được điều động trở lại ngành sau trọn vẹn một nhiệm kỳ Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Điềm đạm và kĩ lưỡng, vị tân Giám đốc sở nhường lời cho cấp phó, thi thoảng lại gật đầu xác nhận. Anh bảo, ngay trong Sở cũng đã giảm hai đơn vị cấp phòng là Phòng Chính trị, tư tưởng và Phòng Giáo dục thường xuyên. Phó Giám đốc Luyện Hữu Chung thì tỉ mỉ: Sau hơn hai năm thực hiện đề án, tăng quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tỉnh đã “tiết kiệm” được gần 1.000 giáo viên. Gọi là “tiết kiệm” vì tỉnh còn thiếu đến 2 - 3.000 giáo viên so với chỉ tiêu được giao. Do đó, sắp xếp lại nhưng không thầy cô nào bị đẩy ra ngoài, trừ những trường hợp chuyên môn quá yếu hoặc bị kỉ luật. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, nhất là từ nguồn tiết kiệm ngân sách do tiết giảm bên chế cũng đã gặt hái những kết quả đáng khích lệ. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 663/869 phòng học đạt 76,3% so với mục tiêu, xây dựng 353/437 phòng ở đạt 80,7%, xây dựng 70/67 công trình nước sạch đạt 105%... Tính ra trong ba năm từ 2016 - 2018, tỉnh đã dành hơn 386 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho đề án sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp, đạt 89,2% mục tiêu đề ra. Thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất trường học trong năm 2018. Các huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải cũng đạt tiến độ đáng khích lệ. Mù Cang Chải còn một dự án Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang sử dụng vốn xã hội hóa nhưng chưa được đầu tư trong khi Trạm Tấu chỉ còn phải xây thêm 5 phòng ở cho học sinh. Điều đáng nói, ngân sách trung ương chỉ bỏ ra 36 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách của địa phương tiết kiệm được và các nguồn huy động xã hội hóa khác. Cơ sở vật chất khang trang, học sinh đi học bán trú bảo đảm điều kiện ăn ở, chất lượng giáo dục, nền nếp chuyên cần tăng lên rõ rệt. Vấn đề đặt ra, theo lãnh đạo Sở GD - ĐT Yên Bái là cần rà soát cơ sở vật chất các điểm trường lẻ, bảo đảm tận dụng tối đa cho mục đích giáo dục. Đối với diện tích đất và các tài sản gắn liền với đất như phòng học, công trình vệ sinh, nhà bếp… phải có phương án xử lý tài sản, không lãng phí cơ sở vật chất đã được đầu tư. 

Chất lượng là trên hết

Khi tư tưởng đã thông, việc khó mấy cũng có thể làm được. Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái Trần Lan Anh thông tin, có tới 8/20 đơn vị sự nghiệp ngành y tế tỉnh đã thực hiện tự chủ hoàn toàn. Khi sắp xếp, sáp nhập, tỉnh chủ trương nơi nào thuận lợi làm trước, nơi nào khó làm sau. Tỉnh đã thực hiện nhập 8 bệnh viện đa khoa cấp huyện với trung tâm y tế tuyến huyện. Với tuyến tỉnh đã hợp nhất 5 trung tâm y tế gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc sáp nhập 5 trung tâm này theo đúng tinh thần Thông tư liên tịch số 51/2015/BYT-BNV. Việc tinh gọn bộ máy như trên không những không làm giảm chức năng y tế dự phòng mà còn tập trung nguồn lực hiệu quả hơn cho công tác này, đúng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”… Việc giảm bớt các vị trí lãnh đạo cũng thực hiện thận trọng, kĩ lưỡng, tránh gây bức xúc, xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Với những ngành nghề đặc thù như nghề y, đào tạo được một bác sĩ giỏi nghề, có kinh nghiệm chuyên môn và quản lý là chuyện không đơn giản. Thế nên, sự kĩ lưỡng trong thực hiện một chủ trương lớn của Đảng, với quyết tâm chính trị và bước đi phù hợp mà tỉnh chỉ đạo là hết sức cần thiết. Biên chế chung toàn ngành từ năm 2014 đến nay giảm 10%, trong đó không tuyển trung cấp, kĩ thuật viên, nhưng vẫn ưu tiên tuyển trình độ ĐH, bảo đảm tỷ lệ 8,9 bác sĩ trên một vạn dân.

Một “bí quyết” nữa của ngành y tế Yên Bái chính là luôn đặt cao yêu cầu chuyên môn, kéo các y, bác sĩ vào cuộc trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tỉnh có đề án hợp tác với các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Hữu Nghị… để mời các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành lên trực tiếp khám chữa bệnh, truyền đạt kinh nghiệm cho các đồng nghiệp ở tỉnh. Tinh thần học hỏi, cầu thị, tình cảm thầy trò nghề y đã góp phần làm cho việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy các cơ sở y tế ở tỉnh miền núi này thuận lợi hơn chăng? Phó Giám đốc Trần Lan Anh ý nhị: “Trong quá trình sắp xếp, ngành chưa để xảy ra trường hợp nào kiện cáo, không y, bác sĩ nào bị đẩy ra khỏi cái nghiệp của mình. Còn về chất lượng? Mấy năm qua, tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh đều tăng điểm. Toàn tỉnh hiện không còn đơn vị nào bị 1 điểm (mức trung bình và kém) mà đều đạt từ 2 điểm (mức chấp nhận được) trở lên. Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái, lại đang trong quá trình sắp xếp lại, đó là một chuyển biến rõ rệt đó anh!”.

Với những lĩnh vực nhạy cảm là y tế và giáo dục, bài toán “con người” đã được Yên Bái giải quyết khá trọn vẹn để đưa đến kết quả đầy khích lệ. Đó cũng là những ví dụ tiêu biểu trong thành công bước đầu về cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế mà tỉnh đang quyết tâm triển khai.

____________

* Đón đọc số sau:

Bài cuối: Một quyết sách - ba chữ “tâm”

Trực ngôn