Để văn hóa thực sự "soi đường cho quốc dân đi"

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:37 - Chia sẻ
Sáng nay, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Như vậy, sau 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì (ngày 24.11.1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có ý nghĩa quan trọng, với nhiệm vụ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến văn hóa, xác định đây là một trong ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta, cùng với chính trị và kinh tế.

Với tầm nhìn vượt thời đại và sự quan tâm đặc biệt dành cho văn hóa, ngay từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng cho lĩnh vực văn hóa. Người khẳng định, văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Với xã hội, Người nói rằng, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn “nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.

Đã 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên đến nay, bối cảnh tình hình đất nước đã có sự thay đổi, song những chỉ dẫn, tư tưởng lớn của Người về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.

Trong Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4.6.2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Đảng ta nêu rõ: "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo: "Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…". Định hướng phát triển đất nước 2021 - 2030 cũng nêu rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là lần đầu tiên hệ giá trị quốc gia được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giữ vai trò chi phối, bao trùm hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, chuẩn mực văn hóa cụ thể của con người Việt Nam và hệ giá trị gia đình Việt Nam. 

Cách đây đúng 75 năm, ngày 24.11.1946, trong bối cảnh nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Hai năm sau đó, năm 1948, đúng lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vào giai đoạn ác liệt nhất, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Đây đều là những hội nghị được ví như “Hội nghị Diên Hồng” về lĩnh vực văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thời gian qua, trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, văn hóa, bên cạnh những thành tựu rất lớn, cũng đã xuất hiện những biểu hiện lệch lạc, xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống, thậm chí thiên về "bề nổi", đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Một trong số đó là việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai; việc chăm lo phát triển giống nòi, nâng cao thể lực, tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam; làm thế nào để văn hóa theo kịp nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước... Đây là những tồn tại, hạn chế cần được nghiêm túc nhận diện, đánh giá chính xác, từ đó tìm ra hướng đi đúng, để văn hóa thực sự trở thành một trong 4 trụ cột để phát triển bền vững đất nước. 

Với ý nghĩa và tầm quan trọng cùng những vấn đề đang đặt ra như vậy, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 lần này được kỳ vọng sẽ là một “hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, tiếp nối xứng đáng mạch nguồn “soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng thành công “nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” như mong muốn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lam Giang