Tiếp nối dòng chảy văn hóa dân tộc

- Thứ Bảy, 05/02/2022, 07:32 - Chia sẻ
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN ĐẮC VINH, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sự quan tâm đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, quyết tâm có bước đột phá hơn nữa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh: Thái Bình

“Con người quyết định tất cả. Muốn thực hiện thành công các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những con người có đủ năng lực và tâm huyết để đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, đồng thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống một cách hiệu quả”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục NGUYỄN ĐẮC VINH

Xác lập quyết tâm chính trị

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của văn hóa với quan điểm phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đưa văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... Theo ông, quan điểm này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhấn mạnh phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa - xã hội. Đây là quan điểm xuyên suốt, nhất quán. Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực văn hóa, muốn phát huy mạnh mẽ hơn, có bước đột phá hơn, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tức là đặt ra các mục tiêu dài hạn, với nhận thức toàn diện, đầy đủ hơn về phát triển văn hóa.

Tất nhiên, 10 năm hay 25 năm rất ngắn so với chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng trong mỗi giai đoạn phát triển nhất định cần có những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để dòng chảy văn hóa dân tộc được tiếp nối theo chiều hướng phát triển và tiến bộ hơn, giúp kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

- Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Trong số các vấn đề, giải pháp được thảo luận, đề xuất tại Hội nghị, ông quan tâm tới vấn đề gì nhất?

- Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII là sự kiện hết sức quan trọng. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948, đến nay mới lại có một hội nghị văn hóa ở tầm cấp cao nhất như vậy. Hội nghị được chuẩn bị công phu, có rất nhiều tham luận sâu sắc, xác lập quyết tâm chính trị, quán triệt các giải pháp để tổ chức thực hiện trong giai đoạn tới.

Có lẽ vấn đề lớn nhất, trăn trở nhất đang được các nhà khoa học cố gắng đào sâu nghiên cứu, thống nhất là hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Thống nhất được hệ giá trị này rất quan trọng, nhưng còn phải tạo ra sức lan tỏa của những giá trị, chuẩn mực đó trong cuộc sống, để đông đảo người dân, cán bộ, Đảng viên hiểu sâu, nghiêm túc thực hiện trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Năm 2021, trong khuôn khổ Hội thảo Giáo dục Việt Nam về văn hóa học đường, các ý kiến đã khẳng định sự cấp thiết xây dựng hệ giá trị văn hóa trong môi trường học đường, giúp thế hệ trẻ có thể rèn luyện, hoàn thiện nhân cách ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

Văn hóa là lĩnh vực rất lớn, cũng rất khó, nên cần quan tâm một cách toàn diện, đầy đủ, khoa học. Bên cạnh đó, phải có sự đầu tư tương xứng về nguồn lực tài chính cũng như có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội.

Giữ gìn văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại để vừa có bản sắc riêng, vừa có sự tiến bộ
Nguồn: VOV

Hài hòa kinh tế - văn hóa, vì sự phát triển bền vững

- Nghị quyết Đại hội XIII định hướng tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa. Định hướng này sẽ thúc đẩy phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế ra sao, thưa ông?

- Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế có tính biện chứng. Trong một số giai đoạn nhất định chúng ta phải tập trung phát triển kinh tế để có điều kiện nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa. Ở chiều ngược lại, nếu chúng ta đầu tư cho văn hóa, làm cho xã hội ổn định thì tạo điều kiện cho kinh tế phát triển bền vững. Nếu phát triển kinh tế mà không chăm lo cho văn hóa thì sẽ ảnh hưởng đến con người, cộng đồng và có rủi ro mất ổn định xã hội, kinh tế cũng khó phát triển.

Suy cho cùng, phát triển kinh tế cũng là để phục vụ con người. Cho nên Đảng ta luôn đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội. Đây là chủ trương nhất quán, đúng đắn, tất nhiên từng giai đoạn, từng việc sẽ phải có trọng tâm, trọng điểm.

- Thực tế, vị trí, vai trò của văn hóa luôn được nhắc đi nhắc lại trong chiến lược của Đảng qua các thời kỳ. Chủ nhiệm kỳ vọng gì về những chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa thời gian tới từ quyết tâm chính trị lần này?

- Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Con người khi sinh ra, sống trong gia đình, cộng đồng, thừa hưởng các giá trị chung, văn hóa thấm sâu vào họ. Nói như thế không phải để văn hóa tự nhiên phát triển mà phải có sự tương tác, nuôi dưỡng và phát huy nó. Thứ nhất, phải có trình độ nhận thức nhất định để hiểu sâu sắc các chuẩn mực, các mối quan hệ trong cộng đồng xã hội. Thứ hai, phải làm sao để Nhân dân ta hướng tới các giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại tiếp tục hoàn thiện nền văn hóa của mình để vừa có bản sắc riêng, vừa có sự tiến bộ.

Đây là công việc rất khó. Đơn cử, trong xã hội thông tin hiện nay, người dân, nhất là thanh thiếu niên có thể tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật trên toàn thế giới, nếu chúng ta không có tác phẩm hay, chất lượng cao, thì rất dễ dẫn đến tình trạng công chúng Việt Nam chịu tác động từ các nền văn hóa nước ngoài nhiều hơn, ảnh hưởng đến các chuẩn mực, ứng xử. Như vậy, cần có định hướng, đồng thời quan tâm, đầu tư, có chiến lược tổng thể để xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ, và có cơ chế để phát huy sức sáng tạo của đội ngũ này phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân.

- Nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm hơn tới mối quan hệ giữa văn hóa và giáo dục cũng như vai trò của giáo dục trong phát triển văn hóa. Bởi mọi thiết chế văn hóa, giáo dục đều phục vụ con người. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ giữ vai trò rất quan trọng trong xây dựng nền tảng văn hóa chung, bởi văn hóa còn là tri thức, sự hiểu biết. Chẳng thế mà, ngay sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Đây là một công việc có ý nghĩa lịch sử. Từ tâm thế của những người bị áp bức, tất cả các tầng lớp Nhân dân của chúng ta đã được tiếp cận việc học tập, có trình độ văn hóa nhất định, và đã làm chủ đất nước mình. Điều đó đã nói lên sức mạnh của văn hóa - tri thức. Chính sức mạnh đó giúp chúng ta làm chủ và đưa đất nước vượt qua khó khăn, chiến thắng các đế quốc xâm lược, phát triển như hiện nay.

Vì thế, cần đầu tư toàn diện, nghiêm túc cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, để từ đó tác động tốt đến văn hóa.

- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ làm gì để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra đối với lĩnh vực văn hóa, con người?

- Thứ nhất, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ rà soát các văn bản pháp luật, các nội dung liên quan, để hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý cho văn hóa phát triển. Thứ hai, giám sát các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp Nhân dân để có các sáng kiến, ý tưởng, giải pháp đóng góp cho Chính phủ, cơ quan hữu quan xây dựng chiến lược, chương trình, đề án phát triển văn hóa. Làm tốt những công việc đó Ủy ban sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển văn hóa Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!

Anh Minh thực hiện