Công tác lập quy hoạch ngành quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chưa lường hết sự phức tạp trong lập quy hoạch tích hợp

- Thứ Tư, 02/03/2022, 06:00 - Chia sẻ
Từng “nếm trải” những đắng cay của sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm cũ từ thực tiễn công tác tại địa phương nên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, ông đặt nhiều kỳ vọng vào các quy hoạch tích hợp được xây dựng theo tinh thần của Luật Quy hoạch. Tuy vậy, công tác lập quy hoạch thời gian qua có nhiều lúng túng, chậm trễ mà "nguồn cơn", theo ông là bởi hiện chưa có sự tiếp cận đồng bộ về triết lý, phương pháp luận trong lập quy hoạch tích hợp.

Chỉ rõ khó khăn, bất cập, lúng túng 

Theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao lập 4 quy hoạch ngành quốc gia, nhưng đến thời điểm này, cả 4 quy hoạch đều chậm tiến độ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành và một số thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, khối lượng công việc Bộ đã và đang triển khai nhằm thi hành Luật Quy hoạch là khá nhiều. Điều này có thể thấy rõ qua báo cáo về sự tham gia phối hợp lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh của Bộ NN - PTNT. Trong đó, đặc biệt là với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đã phối hợp chặt chẽ, tham gia ý kiến, tổ chức làm việc trực tiếp nhiều lần với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án phát triển nông nghiệp, các giải pháp phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tại tại vùng. Đến nay, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trình Hội đồng vùng, Hội đồng thẩm định quy hoạch xem xét, trở thành quy hoạch vùng đầu tiên có "hình hài" cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc
Ảnh: T. Thành

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ NN - PTNT luôn tích cực cử chuyên gia, cán bộ dự các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm tham gia cho ý kiến với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Đồng thời tích cực tham gia hướng dẫn một số nội dung quy hoạch tỉnh theo phương pháp tiếp cận tích hợp, hướng dẫn xây dựng quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh cụ thể với một số nội dung về nông nghiệp, phát triển nông thôn trong quy hoạch cấp tỉnh. Từ phản ánh của các địa phương cũng cho thấy, Bộ NN - PTNT tích cực hướng dẫn, tham gia ý kiến đối với các địa phương về nội dung, hợp phần quy hoạch nông nghiệp được tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.

Ghi nhận sự nỗ lực nêu trên, song, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, cần thấy rõ hơn trách nhiệm chủ quan của Bộ NN - PTNT trong việc chậm tiến độ xây dựng 4 quy hoạch ngành quốc gia được giao, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở dự báo để lập quy hoạch quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề nghị, Bộ NN - PTNT cần chỉ rõ những khó khăn, bất cập, lúng túng cụ thể trong lập quy hoạch ngành quốc gia theo Luật Quy hoạch, thay vì nhận định chung chung là “có khó khăn, vướng mắc, lúng túng”. Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc, lúng túng cụ thể cũng là thông tin quan trọng để Đoàn giám sát tìm được "tận nơi, tận địa chỉ" của những khó khăn ảnh hưởng đến thực hiện công tác lập quy hoạch ngành quốc gia.

Một điểm mới của Luật Quy hoạch là không còn các quy hoạch ngành sản phẩm. Các quy hoạch ngành sản phẩm hết hiệu lực thi hành sẽ được thay thế bằng các chiến lược, chương trình, đề án phát triển ngành sản phẩm. Thực hiện quy định này, Bộ NN - PTNT đã thay đổi nhiều quy hoạch ngành sản phẩm bằng nhiều chiến lược, chương trình, đề án phát triển. Nhưng "sự thay đổi thực chất ở đây là gì? Khi quản lý bằng chiến lược thì cách thức quản lý, tư duy quản lý có sự thay đổi như thế nào và có đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn không?", ông Phan Đức Hiếu đặt câu hỏi. Hơn nữa, việc một nội dung quản lý có nhiều chiến lược liên quan cũng khiến đại biểu băn khoăn về sự hợp lý, tính hiệu quả của công cụ quản lý mới này trong ngành nông nghiệp. 

Một số thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, các chiến lược, chương trình, đề án phát triển ngành sản phẩm không mang tính pháp quy, chỉ tạo cơ sở cho công tác quản lý. Vậy định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp được thực hiện như thế nào khi không dựa trên văn bản có tính pháp quy? Phải làm rõ yếu tố này, có câu trả lời rõ ràng về cách quản lý sản phẩm nông nghiệp tại các chiến lược, chương trình, đề án được lập thay thế cho quy hoạch ngành sản phẩm bởi theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành “câu chuyện giải cứu nông sản không phải chỉ liên quan đến thị trường mà còn do công tác quản lý”.

Chậm trễ, lúng túng vì chưa đồng bộ về triết lý, phương pháp luận quy hoạch

Trả lời các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, khi công tác ở địa phương đã “nếm trải” những đắng cay của sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm cũ nên ông đặt nhiều kỳ vọng vào các quy hoạch tích hợp được xây dựng theo tinh thần của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự tiếp cận đồng bộ về triết lý, phương pháp luận trong lập quy hoạch và “đây là nguồn cơn của mọi nguồn cơn trong sự lúng túng, chậm trễ trong lập quy hoạch”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định. Ông phân tích, khi nói quy hoạch tích hợp cũng chưa lường được sự phức tạp trong lập những quy hoạch này, chưa kể con người làm quy hoạch có tư duy tích hợp không, hay có chuyển đổi được từ tư duy đơn lập sang tư duy tích hợp hay không cũng là một vấn đề hiện nay. Dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận, Bộ NN - PTNT chưa chuẩn bị đầy đủ dữ liệu, cũng như dự báo mức độ phức tạp, các phần việc cần thực hiện khi lập các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, khẳng định việc Nghị quyết 751/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định xây dựng quy hoạch song song đã giúp tháo gỡ vướng mắc lớn nhất trong công tác lập quy hoạch hiện nay.

Với vấn đề quản lý các sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT cho rằng, do không có quy hoạch sản phẩm nên không có chế tài xử lý vi phạm quy hoạch nhưng thực tế ở địa phương đã cho thấy khó có cách nào ấn định cho quản lý gần 20 triệu ha đất nông nghiệp, hàng chục triệu hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Hơn nữa, quy hoạch được xây dựng nhằm để áp đặt sản xuất và thị trường, song thực tế có áp đặt được hay không là rất khó. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, câu chuyện ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu liên quan đến nhiều vấn đề khác, chưa kể chuyển từ tư duy kế hoạch hóa sang tư duy thị trường chưa “liền lạc”, thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khó lường.

Khẳng định khi không có quy hoạch ngành sản phẩm vẫn có công cụ quản lý, Bộ trưởng cũng nêu rõ, công cụ đó là phát huy tối đa việc sắp xếp lại sản xuất thông qua các tổ chức hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp. Chính họ mới là nhân tố quyết định sắp xếp sản xuất, quyết định thị trường. Thị trường thế giới mênh mông, đa dạng, rất rắc rối, không đơn giản như việc đưa nông sản ra chợ làng bán.

Qua cuộc làm việc với Bộ NN - PTNT, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận một số khó khăn, lúng túng, vướng mắc trong triển khai xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, qua cuộc làm việc này cũng cho thấy một sự chuyển đổi tư duy quản lý chính xác và phù hợp với sự vận động của thế giới, chuyển đổi từ tư duy kế hoạch hóa sang tư duy thị trường, chuyển từ cơ quan quản lý Nhà nước sang cho các hiệp hội ngành nghề thực hiện.

Lê Bình