Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Luật pháp - chỗ dựa của nhân tâm

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:30 - Chia sẻ
Văn hóa học đường không phải là cái gì đó đem ở ngoài áp dụng vào trường học mà chính là những điều đang diễn ra tại các nhà trường, người ta đang dùng nó để vận hành nhà trường, nhưng khi đạt đến chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường… Có thể nói, văn hóa học đường có nhiều phương diện, tầm thứ. Nếu nhìn từ tầm thứ triết lý và tư tưởng thì văn hóa học đường lấy con người làm trung tâm và phát triển con người, nó phải quán xuyến trong tất cả phương diện từ quản lý, tư duy và hành động.
Ảnh: Lâm Hiển

Văn hóa học đường phải nằm trong và sự thể hiện để đạt những chuẩn cao nhất các phương diện của các hoạt động trong nhà trường. Trong đó, hoạt động quan trọng nhất là hoạt động dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là mối quan hệ thầy và trò. Nó là các giá trị có thể khái quát của “Chân - Thiện - Mỹ”. Chúng ta nói “học thực, thi thực, nhân tài thực” thì vẫn không vượt qua ngoài phạm trù của cái “chân” là cái thực. Chúng ta nói đến tình yêu thương, sự kết nối, sự chung sống và chia sẻ cũng không vượt qua ngoài phạm vi của cái thiện. Chúng ta phát triển con người, các loại hành vi, cao nhất là hướng đến cái đẹp…

Điều chúng tôi nghĩ đến, cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt, để triển khai được văn hóa học đường, có lẽ không gì khác là phải khiến cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học một tinh thần quan trọng nhất là tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ các nguyên tắc. Luật pháp chính là chỗ dựa của nhân tâm; các nguyên tắc là căn cứ cho mọi hành động. Khi xây dựng pháp luật và thiết kế các nguyên tắc, trong đó đã bao hàm các yếu tố về phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống, văn hóa, truyền thống… Nên điều đầu tiên, theo tôi, cả thầy, trò, trường học phải củng cố và làm thật tốt việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và làm thật tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức nhà giáo, các chuẩn trường học, chuẩn ứng xử. Làm nghiêm các phương diện đó sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học mà ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò thì ta mới nói đến tầng thứ của các giá trị khác.

Chúng tôi cảm nhận được đầy đủ rằng, văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng và có rất nhiều việc phải làm phía trước. Tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục đã nêu: Trường học không phải là một ốc đảo tách biệt với bên ngoài. Văn hóa học đường là một phần của văn hóa toàn quốc gia, xã hội. Cho nên câu chuyện gây dựng và phát triển văn hóa học đường trước hết thuộc về thầy và trò trong nhà trường, nhưng có thành công hay không là câu chuyện của tất cả chúng ta.

Cẩm Vân ghi