Luật Lâm nghiệp của Trung Quốc: Bước tiến tích cực bảo vệ rừng

- Chủ Nhật, 30/05/2021, 08:07 - Chia sẻ
Bắt đầu từ tháng 7.2020, Luật Lâm nghiệp của Trung Quốc chính thức có hiệu lực, đánh dấu lần sửa đổi đầu tiên trong hơn 20 năm. Luật đi kèm với một số cải tiến nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn tài nguyên rừng, thúc đẩy phát triển bền vững và đóng góp vào chính sách quốc gia về xây dựng một nền văn minh sinh thái.

Những thay đổi chính

Luật Lâm nghiệp sửa đổi có một số thành phần mới. Luật làm rõ hơn quyền sở hữu rừng ở Trung Quốc và xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, đó là nhà nước, tập thể (nhóm) và cá nhân. Như một phần của điều này, luật cho phép quyền sử dụng rừng, cây và rừng được chuyển nhượng, cho thuê và được định giá như vốn đầu tư.

Luật cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ rừng. Bằng cách phân loại rừng theo mục đích lợi ích công cộng hoặc mục đích thương mại, nó cho phép áp dụng các biện pháp quản lý khác nhau. Hơn nữa, luật kiểm soát chặt chẽ việc khai thác rừng tự nhiên trong nước và giới hạn sản lượng khai thác hàng năm với giấy phép và các quy định cụ thể.

Quan trọng hơn, Luật Lâm nghiệp sửa đổi bao gồm việc cấm mua, vận chuyển và/ hoặc chế biến gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp và yêu cầu các công ty chế biến phải thiết lập hồ sơ dữ liệu về nguyên liệu và sản phẩm (Điều 65).

Thiết lập một hệ thống quản lý sổ cái theo yêu cầu của luật để ghi chép đầu vào và đầu ra của nguyên liệu, cũng như sản phẩm gỗ có thể là cách hiệu quả để xác định nguồn gỗ. Hệ thống này cũng nên được áp dụng cho gỗ nhập khẩu vào Trung Quốc, vì có tác động đáng kể đến việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, luật cần khám phá thêm một bước nữa trong chuỗi cung ứng gỗ, đặc biệt là về nghĩa vụ thẩm định.

Mặc dù luật sửa đổi quy định, “không người điều hành hoặc cá nhân nào có thể cố ý mua, chế biến hoặc vận chuyển gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp”, văn bản pháp lý này vẫn còn mơ hồ và do đó sẽ để lại kẽ hở nếu người điều hành tuyên bố thiếu thông tin. Do đó, việc thực thi mạnh mẽ là rất quan trọng và rất cần một hệ thống thẩm định có thể thực hiện được.

Hướng tới quản trị gỗ tốt hơn

Mặc dù phạm vi của Luật Lâm nghiệp nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, nhưng các tác động tiềm tàng của Điều 65 có thể rất đáng kể và sâu rộng nếu được thực hiện một cách hiệu quả. Trung Quốc là nhà nhập khẩu và tiêu thụ gỗ hàng đầu trên thế giới, nhưng nhiều quốc gia cung cấp gỗ và lâm sản cho thị trường Trung Quốc có nguy cơ cao bị khai thác gỗ bất hợp pháp và chuyển đổi rừng rộng hơn do quản trị kém. Thực tế, nạn buôn bán gỗ bất hợp pháp là một trong những thị trường tội phạm béo bở nhất trên trái đất, với ước tính của INTERPOL, nó chiếm từ 15 - 30% tổng thị trường sản phẩm gỗ. Còn theo Ngân hàng Thế giới, khai thác gỗ bất hợp pháp có thể khiến doanh thu thuế toàn cầu mỗi năm mất 78 tỷ USD, trong khi số tiền này hoàn toàn có thể được các nước thu nhập thấp sử dụng để tài trợ cho nhiều nhu cầu công.

Do đó, các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu ở Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ thị trường quốc tế, nơi ngày càng có nhiều quốc gia ban hành luật yêu cầu chỉ nhập khẩu gỗ khai thác hợp pháp. Bản thân các công ty gỗ Trung Quốc đang ngày càng lên tiếng về sự hỗ trợ cần thiết để bảo đảm sản phẩm của họ đáp ứng các yêu cầu của người mua quốc tế, những người cần tuân thủ các quy định về gỗ.

Nhiều người hy vọng, cùng với luật mới, nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp thiết thực và hiệu quả để bảo đảm gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp vào nước này, thì điều này sẽ góp phần rất lớn vào thương mại gỗ hợp pháp trên toàn thế giới. Khi thực hiện hành động quyết định chống khai thác gỗ bất hợp pháp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên toàn cầu, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo tồn các điểm nóng đa dạng sinh học trên thế giới.

Chính vì vậy, Luật Lâm nghiệp sửa đổi của Trung Quốc là bước tiến tích cực đối với việc bảo vệ rừng và cải thiện quản trị rừng, có ý nghĩa với không chỉ nước này mà còn có ý nghĩa trên toàn cầu. 

Ngọc Minh