Cà phê phin

Lựa chọn

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 07:06 - Chia sẻ
Cuối cùng, Phó Đức Phương nói là ý đã quyết, không bàn nữa, chỉ muốn tôi ủng hộ cho thêm mạnh mẽ thôi. Không còn cách nào khác, tôi đành ủng hộ, nhưng không tin tưởng lắm vào tài năng của chú em, và thấy con đường trước mặt đầy rủi ro...

Vừa đây, trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương (em trai tôi), nhiều bài báo có nhắc đến chi tiết nhạc sĩ từ bỏ đại học sư phạm để chuyển sang con đường âm nhạc. Đây cũng là một kỷ niệm gắn bó giữa anh em tôi mà nhiều tình tiết thú vị của nó chưa từng được nói đến trên báo chí.

Nguồn: ITN

Phó Đức Phương vào Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962. Sau hai năm rưỡi theo học, trong gia đình chúng tôi, không một ai nghĩ chú có thể bỏ học lúc mà chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp. Hồi nhỏ, chú cũng có thích âm nhạc, nhưng mờ nhạt lắm, không như ông anh Phó Đức Vạn, say mê âm nhạc và biểu lộ rõ rệt từ khi học cấp hai.

Trong suốt những năm học phổ thông, chú không thích chơi một nhạc cụ gì, thậm chí thờ ơ, vì như anh em tôi nhận xét, chú này tay chân “hậu đậu”, chơi bi, đánh đáo, đánh quay đều hạng bét. Khi anh Vạn đã có cơ bản về violon, muốn dạy cho các em, chú Phương cũng học, nhưng tôi nhớ không lầm thì chỉ sau ba ngày, ông Vạn kết luận là “thằng này vô năng” và chú Phương bị mắng cũng tự ái, không học nữa.

Chú Phương vào học toán Đại học Sư phạm Hà Nội, với lý do "thành phần tư sản" vào đó ổn nhất. Chú học bình thường như bao sinh viên khác. Trong thời gian này, chú có hứng thú sáng tác, đã làm một vài bài cho thiếu nhi, như các ký họa thể nghiệm bước đầu, và được người anh Phó Đức Vạn, khi đó đã làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam tạo điều kiện để thu. Nhưng đáp lại là không một tiếng vang. Tôi còn nhớ có một bài tên là “Lời ong”, bị các anh trong dàn nhạc nói đùa là bài “Lời ong tiếng ve”. Thất bại này có lẽ là một động lực để chú Phương quyết phải đi theo con đường chuyên nghiệp.

Lúc đó tôi đang là giáo viên tại một trường trung cấp ở Thái Nguyên, một hôm vào cuối năm 1964, tôi nhận được bức thư của chú Phương. Đọc thư, tôi choáng người, chú có ý định muốn bỏ học, để chuyển sang lĩnh vực âm nhạc. Chú muốn có sự ủng hộ của tôi, vì biết tôi hồi đó rất say sưa với môn toán. Chú nghĩ những người có say mê trong nghề dễ hiểu nhau hơn. Chú còn nói là anh Phó Đức Vạn không hiểu được hoài bão của chú. Tôi chắc anh Vạn tôi thấy được sự gian nan, đầy mạo hiểm trong âm nhạc chuyên nghiệp, trong khi chú em đã có một nghề cầm chắc là ổn định trong tay, nên khuyên can.

Chú Phương nói nếu tiếp tục học toán chú sẽ là một giáo viên tồi, chú nhìn những công thức toán càng ngày càng vô vị, chỉ thấy nốt nhạc lởn vởn trong đầu. Chú không muốn làm người vô vị, nhạt nhẽo. Nhận được bức thư đầu, tôi trả lời ngay, hoàn toàn ủng hộ, chẳng biết sau này ra sao nhưng tôi đánh giá cao sự say mê.

Sau khi gửi thư trả lời, tôi có trao đổi với một số bạn bè trong trường. Những người lớn tuổi bảo tôi, tuổi trẻ hay mơ ước viển vông, huyễn hoặc về mình lắm. Mọi người bảo tôi nên khuyên cậu em nghĩ lại, đừng nông nổi. Thế là tôi lại viết tiếp bức thư khác, khuyên chú không nên mạo hiểm, tốt nhất là cứ học xong đại học đi đã, sau này nếu vẫn còn say mê, làm giáo viên có nhiều thời gian, tha hồ sáng tác. Tôi còn theo ý kiến của anh Vạn, nêu tấm gương một nhạc sĩ, là kỹ sư hóa chất, cũng là nghiệp dư đấy thôi, nhưng cũng có tên tuổi trong giới âm nhạc. Chú Phương trả lời không muốn chỉ như nhạc sĩ đó. Chú muốn sau này rạp mình trên phím dương cầm, để lại cho đời những tác phẩm bất hủ. Tôi lại bảo thì cứ học xong đại học sư phạm đi đã. Nếu khi đó vẫn thích thì chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp, còn có nửa năm nữa thôi, bỏ học phí lắm. Giáo sư, Hiệu trưởng Phạm Huy Thông cũng khuyên như vậy. Cả nhà tôi cũng muốn thế. Chú Phương trả lời nếu đã học xong đại học sư phạm rồi thì dễ làm cho mình có tư tưởng thiếu kiên quyết. Chi bằng bỏ dở việc học, để mình không còn con đường nào khác. Cuối cùng chú nói là ý đã quyết, không bàn nữa, chỉ muốn tôi ủng hộ cho thêm mạnh mẽ thôi. Không còn cách nào khác, tôi đành ủng hộ, nhưng không tin tưởng lắm vào tài năng của chú em, và thấy con đường trước mặt đầy rủi ro.

Kết quả là một thời gian ngắn sau, chú đi Nông trường Cửu Long chăn bò, lợn với ý nghĩ là tích lũy vốn sống. Sau khoảng một năm rưỡi, năm 1966, chú thi vào Trường Trung cấp Âm nhạc, Khoa Sáng tác và dấn thân vào con đường chuyên nghiệp từ ngày ấy. Nói thực là anh em chúng tôi lúc đó cũng không tin là sau này sẽ có một Phó Đức Phương có tiếng tăm như bây giờ.

Ngay sau khi vào trường nhạc, chú đã ra đời hai ca khúc, một là “Những cô gái quan họ”, hai là “Biển mũi”. Đánh giá hai sáng tác đầu tay này, anh em tôi ví một cái là bức tranh lụa, cái kia là bức sơn dầu. Dư luận tiếp nhận như thế nào thì phải chờ thôi. Hai sáng tác này được anh Phó Đức Vạn giới thiệu thu ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Số phận hai tác phẩm này khác nhau, "bức tranh lụa" được để đời như các bạn đã biết, còn bức sơn dầu không có tăm hơi. Nhưng cũng nói thêm là, sau khi “Những cô gái quan họ” được phát trên đài sóng phát thanh đầu năm 1967 thì không thấy dư âm gì. Cứ tưởng cũng sẽ trôi đi im ắng, thì đến năm 1969 bài hát này được phát đi phát lại trên đài, và Phó Đức Phương bắt đầu có tiếng tăm từ hồi ấy. Cũng từ ngày ấy, gia đình tôi và mẹ tôi bắt đầu yên tâm, tin tưởng ở tương lai của chú Phương.

Vài lời ngắn ngủi để các bạn hiểu thêm về một giai đoạn khó khăn nhưng quan trọng nhất trong cuộc đời chú em tôi. Nghĩ lại, nếu không có những quyết định bước ngoặt ngày ấy, thì “bộ tứ sông Hồng” ngày nay chắc không có tên Phó Đức Phương. Còn nhận định như thế nào về vai trò, tài năng, cống hiến của Phó Đức Phương cho nền âm nhạc, cho khán thính giả Việt Nam, xin dành cho bạn nghề và công chúng!

Phó Đức Trù