Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV:

Lựa chọn người có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân

- Thứ Sáu, 19/03/2021, 11:21 - Chia sẻ
Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 vừa kết thúc, tính đến thời điểm này, cả nước có 1.161 người ứng cử. Nhìn vào tỷ lệ này có thể yên tâm bởi số dư đạt tỷ lệ 2,3 người trên 1 đại biểu được bầu. Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm chất lượng đại biểu, trong quá trình hiệp thương lần thứ 3 tới và trong quá trình bầu cử cần phải lựa chọn được những người thực sự có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân.

Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng tham gia Quốc hội

Chất lượng đại biểu Quốc hội là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, trước mỗi cuộc bầu cử, việc lựa chọn các ứng cử viên đòi hỏi một quy trình hiệp thương chặt chẽ. Để được vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, người ứng cử đại biểu phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Một trong những tiêu chuẩn mà ứng cử viên phải có là phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.  

Theo Hướng dẫn số 36/HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ngoài đảm bảo tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xuất sắc, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng. Có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm từ thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết.

“Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội”, hướng dẫn 36/HD/BTCTW nêu rõ.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: việc thỏa thuận lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân

Nhấn mạnh về việc lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc thỏa thuận lập danh sách người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân, không vì tình cảm mà nể nang nhau. Thông qua Hội nghị Hiệp thương phải lựa chọn cho kỹ, làm sao loại bỏ những động cơ không tốt, những người không đủ tư cách vào Quốc hội, để Quốc hội thực sự đại diện cho tiếng nói của cho nhân dân và vì nhân dân.

“Đau đáu” chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách

Nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, yêu cầu đặt ra là cần tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Nghị quyết số Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ, thực hiện tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Thực hiện chủ trương này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã có quy định tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội (khoản 2 Điều 23).

Nhấn mạnh chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đại biểu Quốc hội chuyên trách, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường cho rằng, cần thống nhất tiêu chí đại biểu Quốc hội chuyên trách trên cơ sở đó mới lựa chọn được những đại biểu bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách, Hướng dẫn 36/HD/BTCTW cũng quy định rõ, ngoài các tiêu chuẩn chung theo quy định, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng yêu cầu: có trình độ đại học trở lên, người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên. Có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ quân đội, công an thì phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh Cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng, chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ đại tá trở lên. Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm trưởng đoàn ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh: quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hướng “động” và “mở” với mục tiêu đảm bảo chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách 

Tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhấn mạnh điều này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tiến hành quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cũng theo bà Thanh, có những ủy ban phụ trách 4 – 5 lĩnh vực khác nhau, nếu chỉ lấy người ứng cử ở các cơ quan của Quốc hội thì không bảo đảm chất lượng của đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, tiến hành quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hướng “động” và “mở” với mục tiêu đảm bảo chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Do đó, trong danh sách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội có cả những người không phải ở cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động của các ủy ban, các cơ quan của Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt hơn, bà Thanh nói.

Là người quan tâm đến chất lượng đại biểu, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV ngoài vấn đề cơ cấu phải bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhất là phẩm chất đại diện, nói lên được tiếng nói của người dân, dám đấu tranh với những tiêu cực, sai trái.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: trong các tiêu chí, tiêu chuẩn thì không tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng,“cần, kiệm, liêm, chính - chí, công, vô, tư” là đặc biệt quan trọng đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội

Nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, trong các tiêu chí, tiêu chuẩn thì không tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng, “cần, kiệm, liêm, chính - chí, công, vô, tư” là đặc biệt quan trọng đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội. Mặt trận phải chú ý giám sát vấn đề này. Tờ khai tài sản, thu nhập cần phải được kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện không trung thực thì không giới thiệu tham gia ứng đại biểu Quốc hội”, ông Túc đặc biệt lưu ý.

Hướng dẫn 36/HD/BTCTW quy định: Đối với một số lĩnh vực cần thiết phải có cơ cấu đại biểu Quốc hội nhưng không có nhân sự cấp vụ trưởng và tương đương đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể, đảm bảo đúng quy định.

Để Quốc hội hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, yêu cầu chất lượng, chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội ngày càng phải tăng lên. Muốn vậy, phải làm chặt từ khâu hiệp thương danh sách giới thiệu người ứng cử. Phải kiên quyết không để “lọt” người không đủ tâm, đủ tầm, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào danh sách giới thiệu người ứng cử. Cùng với đó, là trách nhiệm của từng cử tri trong mỗi lá phiếu bầu.

Hà An