Lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả

- Thứ Tư, 18/11/2020, 18:03 - Chia sẻ
Bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống, những kênh đầu tư mới như ngoại tệ, tiền điện tử, hàng hóa phái sinh… đang nổi lên trong thời kỳ “bình thường mới”, mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nhưng cũng đi kèm những rủi ro tiềm ẩn. Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần thực hiện đầu tư theo phương châm đa dạng hóa danh mục, dựa theo kiến thức - kinh nghiệm, tránh tâm lý “đám đông” và đầu tư trên cơ sở có thông tin, phân tích cụ thể.

Xuất hiện nhiều kênh đầu tư mới

Chuyên gia tài chính Thái Việt Dũng, đại diện Exness cho biết, khi đề cập đến các kênh đầu tư, danh sách được liệt kê một cách truyền thống sẽ là gửi tiết kiệm, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu, tuy nhiên, với nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ còn các kênh đầu tư mới như thị trường ngoại hối (forex), tiền điện tử, hàng hóa phái sinh...

Nhiều kênh đầu tư mới như forex, tiền điện tử, hàng hóa phái sinh… hấp dẫn nhà đầu tư
Nhiều kênh đầu tư mới như forex, tiền điện tử, hàng hóa phái sinh… hấp dẫn nhà đầu tư. Nguồn: ITN 

Tại Việt Nam hiện nay, trái phiếu Chính phủ hấp dẫn các ngân hàng còn trái phiếu doanh nghiệp với các gói thanh khoản, cam kết môi giới bán thành công do khối công ty chứng khoán cung cấp đang trực tiếp giúp cho nhiều nhà đầu tư tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi, giữ dòng tiền ở lại kênh chứng khoán thay vì chảy vào tiết kiệm. Tuy nhiên, do trái phiếu phát hành chủ yếu theo phương thức riêng lẻ, đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích được rủi ro khi quyết định đầu tư nên sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nếu chỉ quan tâm đến lãi suất là tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cũng theo ông Dũng, đối với các kênh đầu tư mới như Forex, đầu tư sẽ thu về lợi nhuận cao trong khi số vốn bỏ ra ít, nhưng yêu cầu kiến thức tốt về tài chính và phân tích biểu đồ. Gần đây, việc các sàn Forex ảo mọc lên liên tục kéo theo hoạt động lừa đảo trên thị trường Forex nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi tham gia. Thị trường tiền điện tử (tiền ảo) cũng là kênh đầu tư mới, dù ra đời lâu nhưng chỉ mới phổ biến ở Việt Nam thời gian gần đây. Đây cũng là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao, hấp dẫn các nhà đầu tư mặc dù có nhiều cảnh báo về rủi ro tiềm tàng.  

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận, có thể nhận diện ít nhất 5 nhóm cơ hội đầu tư – kinh doanh quan trọng trong thời gian tới. Thứ nhất, cơ hội đầu tư – kinh doanh số trên các nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử… Thứ hai, cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu. Thứ ba, cơ hội đầu tư - kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường đã và đang mở rộng hơn. Thứ tư, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra. Thứ năm, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán và bất động sản, mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhà đầu tư cần thực hiện đầu tư theo phương châm đa dạng hóa danh mục, tránh tâm lý "bầy đàn"
Nhà đầu tư cần thực hiện đầu tư theo phương châm đa dạng hóa danh mục, tránh tâm lý "đám đông". Nguồn: ITN 

Đa dạng hóa danh mục, tránh tâm lý “đám đông”

Giám đốc Phòng phát triển năng lực đầu tư Công ty chứng khoán VPS Lê Đức Khánh dự báo, xu hướng đầu tư năm 2021 sẽ vào các ngành sản xuất thiết yếu và ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ… Trong quý III.2020, cả hai chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index đều chứng kiến mức tăng ấn tượng cả về mặt điểm số đến thanh khoản. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 9,71%, HNX Index tăng 21,11% so với cuối quý trước.

Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài, quá trình công nghiệp hóa, số hóa của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu như điện, nông nghiệp, vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép). Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19, các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của nước ta sẽ là đem đến triển vọng tăng trưởng tích cực cho nhóm doanh nghiệp xây dựng chuyên dụng, bên cạnh tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế nói chung.

Đưa ra kiến nghị với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trước hết, nhà đầu tư phải nhìn nhận được những điểm yếu để tái cấu trúc, đổi mới mô hình, chiến lược kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài. Trong đó, cần tập trung vào các yếu tố như người lao động, quản lý tài chính, khách hàng và đối tác.  Trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp và có thể giảm tiếp do thanh khoản thị trường tương đối dồi dào và chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, các doanh nghiệp nên tận dụng nguồn vốn tín dụng để tập trung vào đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, với đa số nhà đầu tư cá nhân, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả do tính an toàn, ổn định và rủi ro thấp. Đối với kênh ngoại tệ, ông Lực cho rằng nhà đầu tư không nên nắm giữ do mức lợi nhuận mang lại không đáng kể khi tỷ giá thời gian tới được dự báo tiếp tục ổn định, mức giảm giá VND so với USD sẽ không quá 1% cả năm 2020 và khoảng 1-2% năm 2021.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, kênh bất động sản và thị trường chứng khoán là kênh tương đối tiềm năng với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn. Nhà đầu tư cần thực hiện đầu tư theo phương châm đa dạng hóa danh mục, dựa theo kiến thức - kinh nghiệm, tránh tâm lý bầy đàn và đầu tư trên cơ sở có thông tin, phân tích… Mặc dù trong bối cảnh hiện nay khó khăn và thách thức, nhưng doanh nghiệp và nhà đầu tư không nên vì thế mà tham gia đầu tư vào các kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đen, đầu tư đa cấp, cho vay qua các ứng dụng điện tử.  

Thảo Anh