Xử lý nước, nước thải ở Việt Nam

Lựa chọn công nghệ thích hợp

- Thứ Tư, 19/05/2021, 10:16 - Chia sẻ
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cấp thoát nước đã rất chú trọng đến việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, theo hướng ứng dụng công nghệ, thiết bị mới để nâng cao năng suất lao động, giảm bớt nặng nhọc, độc hại, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi

Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, tổng công suất cấp nước đô thị đạt trung bình khoảng 10,9 triệu m3/ngày, tỷ lệ thất thoát nước sạch khoảng 18,5% (giảm 11% so với năm 2010) và tỷ lê dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 89-90%, còn vùng nông thôn là khoảng 88,5%. Tổng công suất xử lý nước thải là hơn 1.181.380 m3/ngày, ~ tỷ lệ xử lý 14% trên tổng lượng nước thải 8 tỉ m3/năm 

Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân chia sẻ về thực trạng chung của ngành nước Việt Nam tại Toạ đàm "Xã hội hóa đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức" 

Ở một số địa phương, việc quản lý hệ thống cấp nước ở tại các nhà máy đã được ứng dụng tích hợp các công nghệ bản đồ số GIS, công nghệ di động, công nghệ điện toán đám mây, tích hợp thành hệ thống toàn diện quản lý cho các doanh nghiệp cấp nước: thiết lập bản đồ số mạng cấp nước, quản lý tài sản, giám sát vận hành và bảo trì mạng cấp nước, quản lý và chăm sóc khách hàng, ghi chỉ số và kiểm tra đồng hồ nước, quản lý đồng hồ nước, quản lý chất lượng nước, hỗ trợ phòng chống thất thoát nước…

Theo thông tin từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam, một số đơn vị cấp nước đã đầu tư cho phần mềm quản lý tài sản, thiết bị giám sát chất lượng và áp lực nước, điều khiển van phân vùng cấp nước, thông qua các chương trình, dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch của WB, ADB, hoặc từ nguồn kinh phí của công ty, nguồn ngân sách hỗ trợ. Các biện pháp này đã góp phần giảm rõ rệt tỷ lệ thất thoát nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu (còn dưới 10%), TP. Hồ Chí Minh (19,2%), Hải Phòng (dưới 15%), Hải Dương (dưới 12%). 

Mô-đun làm ngọt nước biển công nghệ RO Đảo Cát Bà, Hải Phòng
Nguồn: Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã trang bị biến tần cho các Trạm bơm; Ứng dụng phần mềm thủy lực (WATERGEMs) vào quản lý vận hành, phát triển hệ thống cấp nước; Triển khai hệ thống GIS (thông tin địa lý) cho mạng lưới cấp nước Thành phố; Ứng dụng giải pháp thi công đấu nối ống cấp nước sử dụng van Linestop (cắt tê không ngưng nước)Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng đã áp dụng công nghệ thẩm thấu ngược (RO) hiệu suất cao để xử lý nước ngầm nhiễm mặn, công suất 3.000 m3/ngày, cho phép khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, mở ra một hướng mới trong giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều công ty cấp nước đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, đưa vào sử dụng các thiết bị mới, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và kinh doanh, như công nghệ biến tần và khởi động mềm cho các tổ máy bơm, công nghệ lắng lamen, công nghệ đan lọc HDPE trọng lực, công nghệ xử lý chất hữu cơ và khử trùng bằng ozon, hệ thống điều khiển SCADA, công nghệ định lượng hóa chất tự động điều chỉnh theo chất lượng nước thô, công nghệ xử lý bùn cơ học, công nghệ xử lý để thu hồi nước rửa lọc…

Công nghệ xử lý nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các đô thị, khu công nghiệp Việt Nam nhìn chung phát triển khá nhanh, theo sát xu thế của thế giới. Hầu hết các nhà máy xử lý nước thải đều áp dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại, cho phép đạt chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn, với chi phí hợp lý như công nghệ bùn hoạt tính cải tiến, các thiết bị bơm, cấp khí, quan trắc tự động chất lượng nước thải, kết nối với hệ thống SCADA giám sát và điều khiển, …

Lựa chọn công nghệ thích hợp nhất

Có thể thấy, việc đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Doanh nghiệp, nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Quang Huân, các doanh nghiệp nên căn cứ vào điều kiện về nguồn lực mà lựa chọn công nghệ thích hợp, không nên chạy đua theo các công nghệ hiện đại vì công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn, chưa hẳn phù hợp với nguồn lực tại một số địa phương trong nước. “Việc cấp nước không quá phức tạp miễn là có đủ nguồn nước thô ổn định với chất lượng phù hợp. Chỉ khi hoặc tại địa điểm nhất định, nguồn nước thô có vấn đề, mới cần đến các công nghệ xử lý nước tiên tiến tốn kém hơn”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Các giải pháp quản lý nước thông minh có tiềm năng ứng dụng trong hệ thống cấp nước.
Nguồn: Hội Cấp thoát nước Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quang Huân, hiện ngành nước Việt Nam chủ yếu dựa vào các công nghệ xử lý nước và phân phối nước truyền thống và hiệu quả đã được chứng minh. Lợi thế chính từ công nghệ truyền thống đó là sự đơn giản về kỹ thuật đòi hỏi chi phí đầu tư thấp, dễ dàng thực hiện công tác vận hành và bảo trì (O&M)triển khai nhân rộng. Ngoài ra, với công nghệ truyền thống với tỷ lệ nội địa hóa cao về nguyên vật liệu và trong công tác xây dựng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân Việt Nam. Có thể dễ dàng mua các thiết bị nhập khẩu chuyên dụng như thiết bị điều khiển và máy bơm đặc biệt từ các nhà sản xuất quốc tế có uy tín đã có đại diện và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. “Các công nghệ phân phối nước không thay đổi đáng kể trong 1 thế kỷ qua, ngoại trừ công tác giám sát và điều khiển”, ông Huân nói.

Phó Tổng Giám đốc CTCP Halcom Việt Nam, ông Olli Keski Saari cho rằng, công nghệ tốt nhất chưa hẳn là giải pháp tốt nhất, mà công nghệ phù hợp nhất mới là giải pháp tốt nhất. Chúng ta cần phân tích tình hình khả năng của địa phương, xem xét địa phương đó phù hợp với công nghệ nào, có thể chi trả bao nhiêu, sau đó chúng ta sẽ đưa ra một lộ trình đầy đủ tận dụng các cơ sở xây dựng đã có sẵn để thực hiện các bước phát triển sau này.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp thoát nước cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ và thiết bị phù hợp trong việc khai thác, xử lý và phân phối, tiêu thụ nước hướng tới đáp ứng mục tiêu Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục. 

Xuân Tùng