Lồng ghép giới vào hòa giải ở cơ sở

- Thứ Tư, 08/12/2021, 11:03 - Chia sẻ
Một trong những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động hòa giải ờ cơ sở là bảo đảm bình đẳng giới; đồng thời tại Khoản 1, Điều 12, Luật Hòa giải ở cơ sở quy định, mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Tuy nhiên, đến nay số lượng hòa giải viên là nữ vẫn chưa đạt được theo quy định.

Dễ thông cảm, tiếp cận khi hòa giải

Đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, từ năm 2016, nội dung pháp luật về bình đẳng giới cũng như kỹ năng thực hiện bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở được thể hiện lồng ghép trong Bộ câu hỏi thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 3. Đặc biệt, năm 2020, nhận được sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức xây dựng “Tài liệu tập huấn hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới” nhằm trang bị kiến thức về cơ bản giới, bình đẳng giới và kỹ năng hòa giải có hiểu biết giới cho các hòa giải viên ở cơ sở. Từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp, bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở.

Công bố tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới. 

Thực tế cho thấy, hòa giải viên nữ tham gia tổ hòa giải không chỉ với tư cách là đại diện cho phụ nữ ở cộng đồng mà còn là những người thấu hiểu tâm lý của phụ nữ, dễ gần gũi, tiếp cận với phụ nữ khi tiến hành hòa giải, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, chống phân biệt đối xử về giới, định kiến giới. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang, Bùi Đức Độ chia sẻ, đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, đặc biệt là các vụ việc bạo lực gia đình - vụ việc mà ở đó sự bất bình đẳng giới, định kiến giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái thường thể hiện rõ nét nhất, việc có hòa giải viên nữ tham gia hòa giải với vai trò chủ trì hoặc phối hợp với hòa giải viên nam tiến hành hòa giải thì đều tạo được tâm lý thoái mái cho nạn nhân bị bạo lực giới.

Đồng tình với chia sẻ này, Trưởng phòng Tư pháp - Hộ tịch Sở Tư pháp Kon Tum Phạm Văn Chung cho rằng, với sự nhẹ nhàng, khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, sự đồng cảm của những người cùng giới, hòa giải viên nữ thường dễ tiếp cận, thu thập thông tin về mâu thuẫn, tranh chấp, nhất là những thông tin nhạy cảm, thầm kín, phụ nữ khó chia sẻ với người khác giới, giúp hòa giải viên có được những thông tin cần thiết, đôi khi là mấu chốt giúp giải quyết vụ việc đạt kết quả.

Hội nghị tập huấn hòa giải viên cơ sở 

Chưa chú ý đến yếu tố giới khi hòa giải

Theo số liệu báo cáo thống kê của 63 tỉnh, thành phố, đến năm 2020, cả nước có 88.765 tổ hòa giải với 548.367 hòa giải viên, trong đó có 153.119 hòa giải viên nữ; không địa phương nào báo cáo có tổ hòa giải không có hòa giải viên nữ. Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải viên nữ cao như TP. Hồ Chí Minh 43%, TP. Hải Phòng 39%, tỉnh Quảng Minh 37,67%... Tuy nhiên tính đến ngày 31.12.2020, số hòa giải viên nữ trên cả nước chỉ chiếm khoảng 28% hòa giải viên ở cơ sở, trong khi đó theo quy định thì Tổ hòa giải phải có sự tham gia của hòa giải viên nữ.

Điều đáng lưu ý là không phải hòa giải viên nào cũng quan tâm tới các vấn đề giới, bình đẳng giới và quyền phụ nữ, trẻ em trong các vụ việc được hòa giải. Trong các buổi hòa giải, họ thường tập trung tới mâu thuẫn, tranh chấp thay vì nhìn nhận toàn diện vấn đề chi phối hành vi của các bên như giới tính, văn hóa, tôn giáo và các nhận thức về giới.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giới cho hòa giải viên. 

Năm 2020, các tổ hòa giải trong cả nước đã tiến hành hòa giải 127.309 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 102.613 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,6.

Đại diện Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nêu thực tế, vẫn còn tình trạng hòa giải viên áp đặt quan điểm cá nhân lên các bên liên quan, mà quan điểm đó mang tính phân biệt đối xử dựa trên giới. Một số hòa giải viên cũng được cho là thiếu nhạy cảm giới khi làm việc với các nhóm đặc thù như: người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trẻ em, như sử dụng ngôn ngữ và thái độ mang tính định kiến giới khi nhắc đến phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Trong không ít các trường hợp, mâu thuẫn có thể phát sinh do việc thực hiện các vai trò giới mà không có sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên gia đình, nhưng hòa giải viên lại cho rằng đó là điều bình thường, là lẽ đương nhiên, như viêc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người ốm… là việc của phụ nữ.

Điều này đã tác động trực tiếp tới hiệu quả và chất lượng của các cuộc hòa giải, sự tín nhiệm của người dân với công tác hòa giải cũng như tới nỗ lực chung của xã hội trong việc đạt được bình đẳng giới thực chất.

Từ thực tế này, bên cạnh việc tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật về giới, bình đẳng giới thì một giải pháp được nhiều địa phương đưa ra là cần tổ chức thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở có lồng ghép giới và bình đẳng giới cho đội ngũ công chức tham mưu nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên. Đại diện Sở Tư pháp Lai Châu cho rằng, cần đa dạng hóa các tài liệu tập huấn cho hòa giải viên về lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải với phương pháp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng như: tài liệu tập huấn, sổ tay bỏ túi, các video bài giảng điện tử, tình huống hòa giải mẫu... Ở góc độ khác, cũng có địa phương đề xuất, đưa nội dung chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng về lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong các tiêu chí đánh giá Sở Tư pháp hàng năm.

Phạm Hải