Sổ tay:

Lồng ghép các chương trình hỗ trợ

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 09:01 - Chia sẻ
Điều 4, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định: Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trong đó trợ giúp pháp lý là hoạt động hoàn toàn không có thu, người được trợ giúp pháp lý hoàn toàn được miễn phí. Quy định là vậy, nhưng đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách thì quy định này là không khả thi, nhất là đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Kết quả sau 4 năm Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho thấy, từ năm 2016 đến hết tháng 4.2020, các địa phương được ngân sách Trung ương hỗ trợ đã thực hiện 13.071 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho 12.965 người được trợ giúp pháp lý. Trong đó có 1.727 người nghèo, 6.890 người dân tộc thiểu số, 1.822 trẻ em, 640 người có công với cách mạng và 1.886 đối tượng khác.

Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, ngân sách địa phương đã bảo đảm cho các Trung tâm thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý mà không phân biệt phức tạp, điển hình. Vậy nhưng, có không hiếm địa phương được hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý có tính chất phức tạp hoặc điển hình nhưng vẫn không đủ kinh phí để chi trả kịp thời cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoặc cũng có nơi chưa được bố trí đủ số kinh phí do ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý có tính chất phức tạp, điển hình mà số kinh phí này được điều chuyển để thực hiện các nhiệm vụ khác của địa phương.

Đáng bàn hơn, trong giai đoạn đầu triển khai Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg vẫn còn có địa phương hiểu chưa đúng về quy định hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Do đó không đề xuất hỗ trợ, trong khi đó kinh phí tại địa phương chưa bảo đảm được. Điều này đã ảnh hưởng đến thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, khó huy động họ tham gia các vụ việc trợ giúp pháp lý có tính chất phức tạp, điển hình. Đơn cử, từ năm 2016 - 2020, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình với 334 vụ việc trợ giúp pháp lý có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho 334 người được trợ giúp pháp lý; tổ chức 6 hội nghị với hơn 810 người lượt người tham gia, trong đó có 114 lượt người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các nội dung triển khai trợ giúp pháp lý thực hiện nhiều, đối tượng, địa bàn được hưởng các chính sách trợ giúp pháp lý lại chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn... trong khi nguồn lực hỗ trợ triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý còn hạn chế nên ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng người được thụ hưởng chính sách.

Từ thực tế này, cần sớm đánh giá hiệu quả thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, trong đó chú ý các địa phương chưa bố trí được nguồn ngân sách; nhất là các tỉnh điều chuyển nguồn ngân sách thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg sang nhiệm vụ khác của địa phương. Từ đó, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là việc bố trí kinh phí - một điểm nghẽn lớn trong hoạt động trợ giúp pháp lý trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động các nguồn lực của xã hội cho hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tố tụng có tính chất phức tạp, điển hình. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo có rất nhiều chính sách hỗ trợ, hay chăng cần lồng ghép các chương trình hỗ trợ tránh chồng chéo, dàn trải và không hiệu quả. 

Phạm Hải