Long An: Xây dựng nông thôn mới thiết thực, không “rập khuôn, cào bằng”

- Thứ Năm, 23/12/2021, 10:58 - Chia sẻ
Xác định rõ xây dựng nông thôn mới hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An coi trọng các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới là bảo đảm tính thiết thực, không “rập khuôn, cào bằng” mà bám sát yêu cầu từ thực tế, đặc điểm của mỗi địa phương.

Phấn đấu có 10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn Long An được triển khai nhất quán theo quan điểm xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh, môi trường, cảnh quan, không gian làng quê luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, giữ được những nét văn hóa đặc trưng của không gian nông thôn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thanh bình, thoáng đãng.

Với việc triển khai chính sách thiết thực, cụ thể và hiệu quả, đến nay, Long An đã có 106/161 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến, đến hết năm 2021, tỉnh sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Các huyện Châu Thành, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường đã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh cũng đã có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở địa phương. 

Diện mạo nông thôn Long An đã đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả. Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới; quốc phòng được củng cố và tăng cường; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Cầu, đường được bê tông hóa và hệ thống điện lưới được nâng cấp
Cầu, đường được bê tông hóa và hệ thống điện lưới được nâng cấp
Nguồn: ITN

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, thực tế xây dựng nông thôn mới cũng như hướng đến nông thôn mới nâng cao ở Long An cho thấy, chỉ có phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự thành công. Người dân vừa là chủ thể tham gia, đồng thời là người thụ hưởng chính những thành quả của nông thôn mới, chung tay, góp sức gìn giữ và tiếp tục nâng chất các tiêu chí.

Giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được trong chuẩn nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, Giai đoạn 2021 - 2025, Long An đặt mục tiêu có 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, có 2 huyện đạt chuẩn nông thông mới nâng cao. Từ đó, góp phần khẳng định tầm vóc của một địa phương vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa có vị trí “cửa ngõ” khu vực ĐBSCL.

Đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới

Xác định rõ xây dựng nông thôn mới hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An coi trọng các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới là bảo đảm tính thiết thực, không “rập khuôn, cào bằng” mà bám sát yêu cầu từ thực tế, đặc điểm của mỗi địa phương để triển khai được hiệu quả và đúng với mong muốn của người dân.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, tăng cường giới thiệu những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở là giải pháp rất cần thiết. Đồng thời, tiếp tục chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý mà vẫn giữ gìn được nét đẹp, bản sắc nông thôn truyền thống. 

Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, kỳ vọng Long An sẽ tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc. Có như vậy, đời sống người dân nông thôn mới tiếp tục được nâng cao toàn diện cả về vật chất và tinh thần, mỗi làng quê mới thực sự là những nơi đáng sống.

Vân Phi