Long An: Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Hai, 20/12/2021, 16:54 - Chia sẻ
Để ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập do biến đổi khí hậu, bên cạnh việc sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường; ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhật thức, thay đổi tập quán canh tác của nông dân.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, do tình trạng xâm nhập mặn sâu hơn, môi trường biến động nhiều hơn, sâu, bệnh gây hại nhiều hơn… Ðặc biệt, tình trạng hạn kéo dài gây thiệt hại cho sản xuất, thiếu nước ngọt sinh hoạt và mức độ xâm nhập mặn vào nội đồng ngày một sâu hơn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Trong đó, tình trạng xâm nhập mặn có thể thấy rõ nhất tại các huyện phía Nam như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa... Đặc biệt, trải qua 2 đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016 và 2020, nhiều diện tích sản xuất bắt đầu có sự thay đổi để thích ứng và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, tình hình trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thị trường trong nước cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp và nông sản luôn biến động làm cho người sản xuất không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong 9 tháng năm 2021 là 2.466ha, trong đó chuyển đổi sang cây trồng hàng năm 1.434ha, cây trồng lâu năm 1.032ha.

Trước tình hình đó, ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới. Theo đó, ngành khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất với cơ cấu hợp lý về chủng loại, diện tích phù hợp, tránh rủi ro khi tiêu thụ, trong đó cần chú ý chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác đang gặp khó khăn sang cây trồng dễ chăm sóc, bảo quản được lâu và dễ vận chuyển. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu mà còn đáp ứng được thực tiễn hiện nay.

Điều chỉnh kế hoạch sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Nguồn: Báo Long An
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: ITN

Đơn cử, tại huyện Bến Lức, trước những tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường, cơ cấu nông nghiệp của huyện đã giảm diện tích trồng cây mía, thay vào đó là các loại cây như chanh, sắn, dứa, thanh long… Trong đó, nhiều nhất là cây chanh, với diện tích gần 7.000 ha, trung bình mỗi vụ, nông dân có lãi khoảng 40 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, huyện Thủ Thừa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh việc tập trung chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa, huyện cũng đẩy mạnh việc đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để nâng cao hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi, ngành đã vận động người dân theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính như giống, canh tác, sau thu hoạch để có những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, thanh long, bò thịt.

Ngoài ra, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả, chính nông dân phải tự đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông nghiệp mà mình làm ra, không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn để bắt kịp với xu thế thị trường. Hiện nay, khoa học - kỹ thuật phát triển rất nhanh, nếu chúng ta chậm thay đổi và thích nghi thì sẽ thụt lùi ngay. Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh.

Để ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập do biến đổi khí hậu; cũng như bảo đảm tăng thu nhập cho nông dân, các ngành chức năng, địa phương ở Long An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân được các ngành chức năng, địa phương ở Long An tập trung triển khai thực hiện. Đây là giải pháp để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguồn nước tưới, xây dựng kế hoạch tưới hợp lý, đồng thời chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn; cũng như để người dân thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, nguy cơ khô hạn có thể xảy ra như hiện nay. 

Vân Phi