Long An: Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 18:08 - Chia sẻ
Sáng 9.1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2021).

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Bí thư tỉnh ủy tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cùng các vị ĐBQH tỉnh Long An qua các thời kỳ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình và các đại biểu Quốc hội tỉnh Long An qua các thời kỳ

Tại buổi họp mặt, các đại biểu cùng ôn lại kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Trải qua 75 năm với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh. ĐBQH qua các thời kỳ luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Trình bày diễn văn khai mạc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Long An Trương Văn Nọ nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An gồm 8 ĐBQH đều giữ các trọng trách trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn ĐBQH tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào sự thành công chung đối với hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh. Từng ĐBQH trong Đoàn luôn phấn đấu hoàn thành trọng trách của người đại biểu dân cử, đáp ứng ngày càng tốt hơn niềm tin yêu và sự kỳ vọng của cử tri trong tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp 83 dự án luật và một Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp. Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức được 308 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có chín cuộc tiếp xúc cử tri toàn Đoàn với gần 35.000 cử tri tham dự và hơn 2.500 lượt ý kiến, kiến nghị. Tiếp 513 lượt công dân đến để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; tiếp nhận, xử lý 1.238 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trương Văn Nọ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế khiến hoạt động của Đoàn ĐBQH chưa được như mong muốn, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và có những kiến nghị cụ thể với Quốc hội. Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu chủ trương giảm ĐBQH hoạt động trong các cơ quan Nhà nước, tăng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách trong các cơ quan của QH và các Đoàn ĐBQH; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động của ĐBQH. Đồng thời cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm, tiêu chí đánh giá năng lực hoạt động của ĐBQH, tăng cường sự giám sát của cử tri và nhân dân. 

Thứ hai, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và các văn bản có liên quan theo hướng quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân phải báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của QH, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH; có cơ chế thông tin phản hồi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát; đặc biệt bổ sung các hình thức chế tài cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình thực hiện kiến nghị của Đoàn ĐBQH và ĐBQH.

Thứ ba, cần quy định rõ hơn và tăng cường trách nhiệm của ĐBQH trong hoạt động tiếp xúc cử tri, đặc biệt là các hoạt động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri chuyên đề…Quy định cụ thể trách nhiệm ĐBQH báo cáo với cử tri nơi bầu ra mình về kết quả hoạt động và thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri; lượng hóa số cuộc, lượng thời gian tiếp xúc cử tri đối với từng loại tiếp xúc cử tri mà ĐBQH phải thực hiện hàng năm để có cơ sở cho việc đánh giá hoạt động của ĐBQH hàng năm và cả nhiệm kỳ. Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý và các biện pháp chế tài các cơ quan liên quan để xảy ra chậm trễ trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri.

Nguyễn Thúy - Lan Chi