Lợi ít hại nhiều

- Thứ Tư, 09/06/2021, 06:24 - Chia sẻ
Mặc dù ngành chức năng cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng đã có nhiều khuyến cáo cũng như đưa ra biện pháp xử lý sinh khối để giảm lượng đốt sinh khối từ rơm, rạ sau mỗi vụ mùa thu hoạch... song thực tế những ngày qua tại nhiều địa phương vẫn tiếp diễn tình trạng đốt rơm, rạ, gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường không khí...

Những ngày gần đây, trên những cánh đồng thuộc một số địa phương, người dân đang thu hoạch vụ lúa xuân 2021. Điều đáng nói, sau khi thu hoạch thay vì xử lý rơm rạ bằng cách ủ sinh khối để bảo đảm an toàn cháy nổ, tránh gây ô nhiễm môi trường thì nhiều hộ dân đã đốt ngay tại cánh đồng. Hệ quả là, không ít trường hợp do khói đốt rơm rạ che khuất tầm nhìn dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông. Cá biệt có nơi do nhiều hộ đốt rơm rạ tại chân ruộng có trạm biến áp nên đã xảy ra cháy nổ, mất điện. Trường hợp cháy biến áp Hiếu Bắc ở thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 5 vừa qua do nhiều hộ đốt rơm, rạ là một ví dụ điển hình.

Thực tế, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do đốt rơm, rạ, không ít địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo hoặc triển khai một số mô hình như: Sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ làm phân vi sinh, thu gom làm thức ăn cho gia súc... Đơn cử tại Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18.9.2020 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, các địa phương còn đất sản xuất nông nghiệp đã xây dựng xong kế hoạch xử lý tình trạng đốt rơm rạ nhưng triển khai chậm và thực tế cho thấy, hiệu quả chưa cao.

Điển hình như huyện Sóc Sơn, từ tháng 9.2020 đến nay đã triển khai 3 văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ. Trong đó, UBND huyện chỉ đạo rất rõ: Hành vi đốt rơm rạ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Nội vụ kiểm tra, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chậm ngăn chặn xử lý trường hợp đốt rơm rạ... Nhưng sau 3 vụ thu hoạch, huyện Sóc Sơn chưa xử phạt trường hợp nào và tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra.

Một trong những lý do khiến việc đốt rơm, rạ chưa được giải quyết triệt để đó là do đặc thù sản xuất nông nghiệp, thời gian chuyển vụ nhanh, trong khi đó lượng sinh khối từ rơm, rạ lại lớn nên muốn nhanh gọn, thuận tiện, không tốn nhiều thời gian, công sức, lại tiêu diệt được mầm mống dịch hại, có thành phẩm phân sau khoảng 2 - 3 tháng ủ tro nên nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại đồng. Tuy vậy thực tế, theo các chuyên gia môi trường phân tích, việc đốt rơm, rạ tại đồng “lợi ít, hại nhiều”, bởi khi rơm rạ bị đốt thành tro thì chất hữu cơ biến thành chất vô cơ, làm mất chất dinh dưỡng của đất, khiến cho đất ruộng bị chai cứng, khô cằn, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa...  

Lý giải tình trạng đốt rơm, rạ tồn tại dai dẳng mặc dù chính quyền tuyên truyền, khuyến cáo, nhiều địa phương cho rằng “do hiện nay chưa có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đốt rơm rạ nên rất khó để ngăn chặn hay xử lý người dân đốt”. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì chấm dứt việc đốt rơm, rạ nếu bản thân chính quyền còn loay hoay kêu khó?

Thiết nghĩ, giải pháp là ở chính quyền, muốn người dân có nhận thức và từ bỏ việc đốt rơm, rạ, cần sự chủ động, quyết liệt của các địa phương trong công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận. Bên cạnh đó, người đứng đầu các địa phương cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình khi để xảy ra đốt rơm, rạ tại địa bàn, để từ đó có chỉ đạo chương trình hành động cụ thể, có như vậy câu chuyện đốt rơm, rạ sau mỗi vụ mùa mới sớm chấm dứt.

Hải Thanh