Lỗi hẹn đến bao giờ?

- Thứ Bảy, 06/02/2021, 08:51 - Chia sẻ
Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa có đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả; đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước, nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể…

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp. Trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 là Công ty TNHHMTV Giống gia súc Hải Dương; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của Tổng Công ty là Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGenco2), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã công bố giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải - TKV để cổ phần hóa.

Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Như vậy, còn 91 doanh nghiệp chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 như: TP Hà Nội còn 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty); TP Hồ Chí Minh còn 38 doanh nghiệp  (11 tổng công ty); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương còn 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng còn 2 tổng công ty.

Đáng lưu ý hơn, hiện việc triển khai bán cổ phần cho các đối tượng (nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) mới chỉ đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Từ thực tế này, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều đề xuất như hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước; xử lý theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước, nếu không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể…

Đặc biệt, Cục cũng đề xuất thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước hoặc các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối (đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia).

Phạm Hải