Loay hoay đến bao giờ?
Giáo dục là quốc sách, là nơi tạo ra nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước! Nhưng bức tranh giáo dục đang lộ rõ những gam màu không sáng, từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học. Trong khi đó, vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) càng nhìn rõ những yếu kém.
Vì sao dư luận phản ứng những đổi mới của ngành giáo dục?
Từ đổi mới tuyển sinh đại học bằng cách ghép kỳ thi trung học phổ thông và đại học, lấy kết quả này để các trường làm cơ sở xét tuyển. Hai kỳ thi có mục đích khác nhau, nên cách làm này lộ ra những khiếm khuyết. Kỳ thi tuyển ngỡ là đổi mới của Bộ GD - ĐT lại như vô tình đẩy các trường đại học vào cái thế bất an, vì nỗi lo thiếu sinh viên. Tuyển sinh đợt 1, hàng loạt trường “hot”, trường “tốp trên” cũng không tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu. Bộ GD - ĐT lý giải như giũ trách nhiệm: Bộ trao quyền tự chủ cho các trường rồi còn ta thán gì? Nhưng hiệu trưởng các trường đại học lại “phản pháo” quyết liệt: Các trường chỉ được “tự chủ nửa vời”. Số liệu thí sinh tuyển vào đại học của Bộ GD - ĐT liệu có chuẩn không? Nếu chuẩn, thí sinh đi đâu hết rồi?
Qua phương thức tuyển sinh này càng thấy, lãnh đạo Bộ GD - ĐT vẫn chạy theo dư luận, mà chưa có cách làm bài bản, căn cơ. Càng nhìn rõ, chất lượng đầu vào đại học đang tụt dốc khó lường.
Nhìn về việc các trường buộc phải hạ điểm vào các ngành học quá sâu, mới hay, thực chất giáo dục phổ thông 12 năm gần đây cũng đang đi xuống. Phải nhìn rõ sự nản học, chán học trong lớp trẻ hiện nay là sự thật nhãn tiền. Bộ GD - ĐT nếu chịu đi cơ sở, sâu sát với thầy cô và người học, mới hiểu tâm trạng của lớp trò hiện nay, mới biết được những gì cần thay đổi cho trúng với thực tiễn đặt ra. Phải biết thầy cô hiện nay dạy ra sao, trò học thế nào mới hy vọng có giải pháp để đổi mới giáo dục cho trúng, cho đúng.
![]() |
Cánh cửa các trường đại học giờ mở rộng quá chăng, nên cử nhân cứ tung ra cho xã hội, còn nhà trường không cần quan tâm tới chất lượng. Rõ ràng làm giáo dục giờ là sướng nhất, sản phẩm đầu tư chả ai phải chịu trách nhiệm.
200.000 cử nhân cầm bằng ngơ ngác không có việc làm đang là nguyên cớ làm mất dần đi sự ham học, hiếu học. Nhiều gia đình nghèo đi vì cho con học đại học. Không ít cử nhân ôm cả tập hồ sơ “đi rải” khắp các cơ quan, doanh nghiệp mà đỏ mắt chờ chả đâu gọi. Sự ham học, hiếu học cũng mai một đi, từ chính các trường đại học lúc nào cũng như thiếu sinh viên. Học giỏi, khá, trung bình, đến cả học yếu cũng đỗ đại học. Không trường này, thì trường kia, hỏi sao chất lượng giáo dục đại học không đi xuống?
Hãy nhìn về những cuộc chạy đua vào lớp 1 ở các thành phố lớn, hãy ngó về cái “triết lý” tăng học phí ở một số trường đại học, càng thấy sự học dần không có chỗ cho con cái nhà nghèo. Không biết các thầy cô coi chuyện tăng học phí đại học cao ngất có sinh ra ở các làng quê không, mà sao “tung lời” tàn nhẫn với cô bác quá “nặng mùi tiền” như thế?
Giáo dục cứ mãi loay hoay, càng sa vào “vòng xoáy” càng loay hoay, khi dư luận xã hội phản đối rầm trời về chương trình và phương thức giáo dục VNEN. Bộ GD - ĐT cứ “hô to” VNEN là tuyệt vời, cần mở rộng, nhưng dân chê, học trò không “nạp” được kiến thức vào đầu. Nhưng bộ vẫn cứ “áp xuống”. Lũ trò thơ ngây, đâu phải là “chuột bạch” để các cục, vụ của bộ làm thí nghiệm? Thông tư 30 thực hiện thời gian qua, bị ngay đội ngũ giáo viên đứng lớp bất bình, mà lãnh đạo Bộ GD - ĐT vẫn cố níu kéo là sao? Nói gì, từ khi Bộ quyết định không cho điểm học sinh tiểu học mà thay bằng nhận xét khiến cho giáo dục đảo lộn cả lên? Giảm tải cho trò, tạo cho trẻ có thời gian chơi, nhưng chỉ nhận xét không cho điểm, sao có thể tạo ra hứng khởi trong học tập của trò?
Đừng vội lo ngại chấm điểm số là áp lực đè lên đầu trẻ, mà phải hiểu đó chính là cách đánh giá thực lực của trò. Đó là sự cạnh tranh cần thiết tạo cho trò có ý thức học hành. Vấn đề là, hướng cho trò thi đua một cách lành mạnh, biết giúp nhau cùng vươn lên. Ai hay cách hành xử của Bộ lại như “chữa cháy”, không dũng cảm nhận ra sai lầm? Khi dư luận kêu ca, bất bình, Bộ lại rất “thao lược” chuyển sang nhận xét đánh giá trò bằng A, B, C, D. Rõ ràng sự thay đổi này chẳng khác gì trò chơi ú tim, lấp lửng nửa “nhận xét”, nửa cho điểm số. Cứ tư duy nửa nạc, nửa mỡ kiểu này, có khác chi đổi mới nửa vời?
Loay hoay, lúng túng. Lúng túng rồi lại loay hoay. Cứ cái vòng luẩn quẩn như vậy, không biết tương lai giáo dục sẽ đi về đâu? Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cần trả lời cho dư luận trước khi năm học mới bắt đầu.