Lộ trình cụ thể, đầu tư tương xứng

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 06:00 - Chia sẻ
Rời phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV chiều 8.4, mỗi đại biểu Quốc hội đều có thể tự hào về một nhiệm kỳ thành công và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Dẫu vậy, với những người đã có “duyên” được làm đại biểu của dân, bước chân dù rời nghị trường vẫn chưa thôi trăn trở về những việc chưa làm được và cả những việc đã làm được nhưng chưa thật trọn vẹn, trong đó có an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục… - những vấn đề vừa sát sườn với cuộc sống hàng ngày của người dân vừa liên quan đến sự phát triển bền vững trong dài hạn của đất nước.

Cần có “sàn” an sinh xã hội chung

Những thách thức dồn dập ập tới trong nhiệm kỳ Khóa XIV, từ thiên tai, nhân tai, biến đổi khí hậu, dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ ở miền Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động rất mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất bị đình trệ, hàng triệu lao động thiếu/mất việc làm, giảm sâu thu nhập. Các hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhắc lại bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như vậy để càng thấm thía hơn những kết quả, thành tựu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước đã nỗ lực, chắt chiu giành được. Gần 5 năm qua, những việc làm được rất nhiều, rất hệ trọng, có thể đo đếm được bằng những con số “biết nói” và bằng cả cảm nhận trực quan sinh động về những chuyển động tích cực trong cuộc sống, trong sự vận hành của bộ máy nhà nước. Trong đó, các đại biểu Quốc hội đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Điều này thể hiện qua mức chi đầu tư cho an sinh xã hội chiếm đến 21% GDP, mức cao nhất trong các nước ASEAN. Khẳng định những thành tựu này hết sức có ý nghĩa, song điều khiến ông Bùi Sỹ Lợi lo lắng là sự chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng giãn ra, phân hóa giàu - nghèo tăng lên, thể hiện qua mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất của dân số và 20% nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần thì đến năm 2018 đã là 10 lần. Hệ số thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018 là 0,4 - là mức bất bình đẳng trung bình so với các nước trên thế giới.

Ông Bùi Sỹ Lợi tha thiết kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng "sàn" an sinh xã hội để làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thực hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, nước ta có 3 mức chuẩn tối thiểu. Ở khu vực nhà nước, tiền lương tối thiểu là 1.490.000 đồng. Trong khu vực quan hệ lao động, tức là khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương tối thiểu quy định theo 4 vùng từ 3.070.000 - 4.420.000 đồng cho khu vực thấp nhất và khu vực cao nhất. Đối với nông dân và khu vực nông thôn, chúng ta có chuẩn nghèo đa chiều cho nông thôn là 700.000 đồng, đô thị là 900.000 đồng. “Như vậy, chúng ta không biết ai sẽ đứng dưới sàn an sinh xã hội và ai sẽ bị bỏ lại phía sau. Do đó, để có cơ sở xác định người đang bị ở lại phía sau rất cần có thước đo cơ bản xác định một mặt bằng để chúng ta thấy được ai đang cần Nhà nước bảo hộ. Phải có sàn an sinh xã hội chung cho tất cả các khu vực trong cả nước”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội Khóa XV tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm tiền lương là điều kiện để thúc đẩy tăng năng suất lao động và tiền lương thể hiện giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động.

Trăn trở về an sinh xã hội ở một khía cạnh khác, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan lưu ý, thời gian tới, Việt Nam đang phải đối diện với già hóa dân số, trong khi thời gian chuẩn bị thích ứng không còn nhiều. Già hóa dân số sẽ làm cho gánh nặng kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng nếu như không có những bước chuẩn bị, thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng, kịp thời, phù hợp. Vì thế, bà mong muốn Chính phủ, Quốc hội thời gian tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các yêu cầu bảo đảm để người dân có việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của Nhân dân. “Đây là kỳ vọng lớn lao nhưng cũng đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn”, bà Đinh Thị Phương Lan nói.

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Quang Khánh

Tập trung hơn nữa cho y tế, giáo dục 

Các đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ những trăn trở đối với văn hóa, giáo dục, đầu tư cho thế hệ trẻ… Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Là một quốc gia với 54 thành phần dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc mang nét văn hóa, bản sắc riêng và ấn tượng. Chính sự khác biệt về thành phần dân tộc đã góp phần tạo nên nét đẹp đa dạng, phong phú, đặc sắc cho nền văn hóa Việt Nam. Nhắc lại quan điểm của UNESCO “nước nào tự đặt mục tiêu phát triển kinh tế tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa. Tiềm năng sáng tạo của dân tộc đó sẽ suy yếu dần", bà Đinh Thị Phương Lan cho rằng, kỳ vọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước không thể không có sự đầu tư đúng mức cho văn hóa.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), các vấn đề đạo đức xã hội, các vụ phạm pháp càng ngày càng tăng theo thời gian khiến cử tri không khỏi lo lắng. Kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn. Lý do chủ yếu là chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Với nhân sự bộ máy Chính phủ vừa được Quốc hội kiện toàn, ông mong muốn tới đây, Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế - 2 trụ cột của an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe.

Đối với thế hệ trẻ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc cho biết, trên phạm vi toàn cầu, trong giai đoạn hiện nay, số lượng gia đình di cư đang nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác. Đối với nhiều người, động lực thúc đẩy di cư là mưu cầu cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, đối với rất nhiều trẻ em, di cư lại là một lựa chọn tích cực và là nhu cầu cấp thiết vì các em chưa xây dựng được cuộc sống an toàn, lành mạnh, thịnh vượng ở nơi các em được sinh ra. Trẻ em cần nước sạch, không khí sạch, môi trường sạch. Nhưng dự báo cho thấy, đến năm 2041, một trong bốn trẻ em sẽ phải sống ở khu vực thiếu nước nghiêm trọng và hàng nghìn trẻ em sẽ mắc bệnh ở các nguồn nước ô nhiễm… “Đây là những điều mà chúng ta phải suy ngẫm và chuẩn bị, dành sự quan tâm đúng mức đến trẻ em, thế hệ trẻ Việt Nam để thế hệ trẻ Việt Nam đủ sức trở thành lực lượng lao động có trí tuệ, có tay nghề cao, có đạo đức, có lối sống trong sáng, có sức khỏe thể chất, có sức khỏe tinh thần, có khát vọng tham chính để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Đinh Thị Phương Lan kỳ vọng.

Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước lại đặt ra những nhiệm vụ, ưu tiên hành động khác nhau, trong đó, như chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi, “đến Khóa XV, XVI và các khóa tiếp nữa, nhiều vấn đề của người dân chúng ta chưa thể xử lý trong một sớm một chiều”… An sinh xã hội, văn hóa, giáo dục là những lĩnh vực như vậy. Để đi đến đích phát triển bền vững, thịnh vượng, bao trùm và hạnh phúc mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, chúng ta còn phải đi một chặng đường dài nữa. Nhưng trên chặng đường dài ấy, cần phân định lộ trình cụ thể với chính sách phù hợp, nguồn lực đầu tư tương xứng, và “đòi hỏi phải có sự bền bỉ, quyết tâm chính trị rất cao của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Nguyễn Bình