Lo giảm sức cạnh tranh hay ưu tiên phát triển bền vững?

- Thứ Bảy, 13/03/2010, 00:00 - Chia sẻ
ĐBNDO- Dự thảo Luật thuế môi trường gần đây được các diễn đàn và báo chí quan tâm bởi sắp đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 7 của QH . Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Chính phủ đang khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu sau hội nghị tại Copenhagen, Đan Mạch tháng 12 năm ngoài. Thuế và môi trường- hai phạm trù tưởng chừng như không liên quan gì với nhau, rút cục đã phải cân bằng lợi ích ngay trong một luật thuế để giải quyết một vấn đề đang nóng lên trên toàn cầu…

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố tại Hội thảo Lấy ý kiến về dự thảo Luật thuế môi trường do Uỷ ban Tài chính- ngân sách của QH tổ chức đã gây sự chú ý. Theo báo cáo này, Việt Nam là nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự ảnh hưởng của thay đổi khí hậu đối với mực nước biển và lượng mưa. Theo tính toán, cứ 1 mét nước biển dâng có thể làm lụt 15- 20.000 km2 diện tích Đồng bằng sông Mê Kông và ảnh hưởng ½ triệu ha vùng đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng đến một số đất nông nghiệp tốt nhất  và nhà cửa của 50% dân số. Việt Nam có thể mất 17 tỷ USD một năm và mất hơn 12% đất đai màu mỡ nhất; Hơn 17 triệu người có thể bị mất nhà cửa, 14 triệu người trong số đó sống tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nước biển dâng, sự thay đổi nhiệt độ và các kiểu mưa sẽ ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp…

Trên thế giới, các nước OECD đã sử dụng khá phổ biến công cụ tài chính, nhất là thuế để chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Gần đây, công cụ tài chính và cụ thể là công cụ thuế nhằm bảo vệ môi trường đã bước đầu vận dụng có kết quả ở nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…

Tại Việt Nam, cùng với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Luật thuế môi trường, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 tới đây. Ông Patrict Doyle- chuyên gia về môi trường của dự án Star Việt Nam bình luận: “Việc Việt Nam thông qua Luật thuế môi trường là hành động thiết thực, hưởng ứng chương trình hành động của thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí…”.

Về dự thảo Luật thuế môi trường đang được lấy ý kiến rộng rãi, mục đích chủ yếu là nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp trong xã hội về ý thức bảo vệ môi trường, từ đó góp phần thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng. Với nguyên tắc, thuế môi trường thu trên đơn vị sản phẩm gây ô nhiễm để buộc nguời tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm ít ô nhiễm hơn, với giá cả cao hơn ở mức hợp lý hoặc hạn chế tiêu dùng, sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm.

Với nguyên tắc, thuế môi trường do người gây ô nhiễm trả, buộc các chủ thể gây ô nhiểm và liên đới phải chịu trách nhiệm về chi phí do hoạt động gây ô nhiễm bằng cách đưa chi phí ngoại ứng vào giá. Do đó, thuế môi trường không những tăng thu ngân sách, hạn chế những tác nhân gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu khác về môi trường như khuyến khích các hành vi sử dụng sản phẩm, năng lượng sạch hơn, khuyến khích các cuộc cách mạng thân thiện với môi trường…

Chẳng hạn như đối với túi nhựa xốp, đây là hàng hoá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, tại các siêu thị, chợ, người bán hàng phát miễn phí cho người mua do giá bán của hàng hoá này rẻ hơn nhiều so với các hàng hoá khác. Để tác động mạnh đến hành vi của người sự dụng, Ban soạn thảo dự luật đang đề xuất quy định mức thuế suất từ 100- 150% giá bán hiện hành với hy vọng là việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán để người bán hàng sẽ không tiếp tục, hoặc hạn chế phát miễm phí túi nhựa xốp cho người sử dụng.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam là nước đi đầu trong các nước Đông Nam Á chuẩn bị thông qua Luật thuế môi trường. Vì sao một luật thuế quan trọng như vậy lại chưa được các nước quan tâm? Phải thừa nhận rằng, việc tăng thêm một loại thuế đồng nghĩa với việc tăng giá sản phẩm là điều mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng không muốn. Hiện tại, mục đích của mọi quốc gia đều muốn tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường thế giới, đồng nghĩa với việc giá cả hàng hoá phải có khả năng cạnh tranh. Do đó, ngoài những thứ thuế mà hiện tại sản phẩm đó bị đánh thuế, thêm thuế môi trường sẽ làm gia tăng giá của sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của chính sách phẩm đó.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Bộ Tài chính đề xuất thu thuế môi trường đối với 6 nhóm sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất. Dung dịch HCFC, than, túi ni long, thuốc bảo vệ thực vật… khi chịu thuế môi trường sẽ làm tăng giá bán của sản phẩm, gây khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, mức thu nói chung không cao, doanh ngiệp có thể điều chỉnh sản xuất dần dần, hoặc giảm bớt sản xuất, nhập khẩu hàng hoá chịu thuế môi trường”. Việc thu thuế đối với những sản phẩm gây ô nhiểm môi trường nhằm mục đích làm tăng giá bán, từ đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng và nhà sản xuất: hoặc là sử dụng sản phẩm khác có giá thành thấp hơn không gây ô nhiễm; hoặc là nhà sản xuất phải đổi mới công nghệ, sản xuất “sạch” để hạn chế gây ô nhiễm. Và đó chính là mục tiêu mà Luật thuế môi trường hướng tới.

Tuy nhiên, trong khi một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật thuế môi trường trình ra Quốc hội tới đây mới chỉ thu thuế đối với 6 mặt hàng là quá ít thì một số ý kiến khác lại cho rằng, trong thời gian đầu thực hiện thu thuế môi trường, thì chưa nên thu thuế môi trưòng với nhiều mặt hàng. Viện phó Viện nghiên cứu thị trường giá cả, TS Vũ Đình Ánh khuyến cáo: “Để bảo đảm  nền kinh tế có sức cạnh tranh, không nên cái gì cũng thu thuế môi trường, không nên đi đầu để để triệt tiêu cạnh tranh…”; và “Thu thuế môi trường nhưng không tăng gánh nặng cho nền kinh tế”. Như vậy, cần phải cân bằng lợi ích để bảo đảm vừa thực hiện được chính sách bảo vệ môi trường vừa bảo đảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

 Ông Patrict Doyle- chuyên gia về môi trường của dự án Star Việt Nam cho rằng: “Cần thiết thu thuế môi trường nhưng cũng cần thiết miễn, giảm thuế đối với những doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường…”. Ông nhấn mạnh: Luật thuế môi trường của Việt Nam nếu được thông qua sớm sẽ góp phần vào chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một quỹ tài chính để bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển năng lượng tái tạo…

Minh Đức