Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, Tổng thống Gitanas Nausėda nhiều khả năng sẽ giành được thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Tuy nhiên, việc có tới 8 ứng cử viên chạy đua khiến ít khả năng ông có thể giành được hơn 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng hoàn toàn trong ngày 12.5. Trong trường hợp đó, một cuộc bỏ phiếu vòng hai giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ được tổ chức sau đó hai tuần, vào ngày 25.5.
Trong hệ thống chính trị của Lítva, tổng thống có nhiệm vụ chính là giám sát chính sách đối ngoại và an ninh; đồng thời đóng vai trò là tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang. Những nhiệm vụ đó cùng vị trí chiến lược của Lítva ở vùng Baltic, phía Đông của khối NATO, càng củng cố vai trò của Lítva ở khu vực, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày gia tăng giữa Nga và phương Tây.
Ba quốc gia vùng Baltic là Lítva, Latvia và Estonia đã tuyên bố độc lập vào những năm 1990 và ngả sang phía Tây với việc gia nhập cả EU và NATO.
Tổng thống Nausėda, một người bảo thủ ôn hòa chuẩn bị bước sang tuổi 60, là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, một quan điểm được nhiều chính trị gia ở nước này ủng hộ. Ông Tomas Janeliūnas, nhà phân tích tại Viện Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Vilnius nhận định, ông Nausėda, một cựu nhân viên ngân hàng tham gia chính trường sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 được coi là “sự lựa chọn an toàn cho cử tri thuộc hầu hết mọi hệ tư tưởng”.
Các cuộc thăm dò cho thấy đối thủ chính của ông là Ignas Vėgėlė, một luật sư theo chủ nghĩa dân túy, đứng ở vị trí thứ hai, và ở vị trí thứ ba là đương kim Thủ tướng Ingrida Šimonytė.
Từng là Bộ trưởng Tài chính, bà Šimonytė trở thành Thủ tướng vào năm 2020 sau khi thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2019.
Trong khi đó, ông Vėgėlė là một gương mặt mới trên chính trường, nhưng được chú ý sau khi lên tiếng chỉ trích gay gắt các chính sách trong thời kỳ Covid-19 của chính quyền hiện tại.
Ông Rima Urbonaitė, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Mykolas Romeris ở Vilnius nhận định, nếu ông Vėgėlė giành vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử, điều này có thể đưa ông lên một vai trò nổi bật trong nền chính trị của Lítva ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa thu này.
Trong khi cả ông Nausėda và bà Šimonytė đều là những người ủng hộ chi tiêu quân sự nhiều hơn và ủng hộ nhiệt liệt cho Kiev, thì một số ứng cử viên khác lo ngại, việc công khai ủng hộ Ukraine có thể dẫn đến tình trạng đối đầu không cần thiết với Nga.
Cũng trong ngày 12.5, ngoài cuộc bầu cử tổng thống, cử tri Lítva cũng tham gia một cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi: liệu có nên sửa đổi Hiến pháp để cho phép người Lítva sống ở nước ngoài có hai quốc tịch hay không.
Hiện tại, công dân Lítva sống ở nước ngoài muốn nhận quốc tịch khác phải từ bỏ quốc tịch Lítva, tạo ra tình trạng dễ bị tổn thương cho một quốc gia có dân số đã giảm từ 3,5 triệu năm 1990 xuống còn 2,8 triệu hiện nay.
Trong trường hợp đa số cử tri ủng hộ lựa chọn sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội sẽ có thể bắt đầu thủ tục sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để những người sinh ra đã có quốc tịch Lítva sẽ có thể giữ quốc tịch đó song song với quốc tịch của một quốc gia khác “thân thiện với Lítva”.
Một nỗ lực tương tự nhằm sửa đổi Hiến pháp đã thất bại vào năm 2019 do tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn 50% số cử tri đã đăng ký khiến cuộc bỏ phiếu không được tính là hợp lệ.