Ngành dân số

Linh hoạt, thích ứng với tình hình mới

- Thứ Tư, 19/01/2022, 06:20 - Chia sẻ
Phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 111,4 trẻ trai/100 trẻ gái; 60% số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 55% số trẻ em mới sinh ra được sàng lọc sơ sinh; từng bước nâng cao chất lượng dân số... là mục tiêu mà Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đặt ra trong năm 2022.
	Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về dân số và phát triển Nguồn: ITN
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về dân số và phát triển
Nguồn: ITN

Nỗ lực vượt khó khăn, thách thức

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú, năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 triển khai đồng bộ Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 6 chương trình, 4 đề án, 2 kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW (Khóa XII) của Đảng. Công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Chi cục Dân số - KHHGĐ, cơ quan dân số cơ sở, cộng tác viên dân số đã nỗ lực vượt khó, cố gắng thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP  là "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi".

Mặc dù vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Phạm Vũ Hoàng cho biết, năm qua, chỉ có 2/11 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,8 bé trai/100 bé gái; tỷ số giới tính khi sinh giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2020; tổng tỷ suất sinh là 2,11 con/phụ nữ; có gần 5,28 triệu người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; 50% trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh; tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh ra là 73,7 tuổi… Nhóm 4/33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao, mức sinh tiếp tục tăng và ở mức rất cao, gồm Hà Tĩnh (2,95 con), Thái Bình (2,43 con), Hà Giang (2,62 con), Lai Châu (2,77 con).

Về tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, ước tính tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh là 60,78%, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có 44/60 tỉnh đạt chỉ tiêu kế hoạch, 16/60 tỉnh không đạt. Đã có 748.061 bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm; trong đó, 110.361 bà mẹ được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm. Ước  tính tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh là 50%, không đạt kế hoạch đề ra. Đã có 574.499 số trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh bằng xét nghiệm mẫu máu gót chân sơ sinh 2 bệnh.

Trong đó, có nhiều nguyên nhân, tồn tại ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu như các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; hệ thống cán bộ làm công tác dân số cơ sở còn mỏng, nhiều biến động, chưa thống nhất, kiêm nhiệm; kinh phí thực hiện công tác dân số bị cắt giảm; công tác truyền thông cộng đồng hạn chế do dịch bệnh; chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa đáp ứng yêu cầu...

Giải quyết toàn diện, đồng bộ nhiệm vụ đề ra

Theo đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ, năm 2022, ngành dân số sẽ tiếp tục chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số với một số chỉ tiêu như giảm tỷ số giới tính khi sinh -0,1 điểm phần trăm so với năm 2021; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ; tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 73,8 tuổi; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh đạt 55%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 60%…

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó, cần sự nỗ lực vượt bậc của ngành dân số, bởi còn không ít thách thức lớn đang hiện hữu như nguy cơ sinh con thứ ba tăng ở nơi mức sinh cao, nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh cục bộ; nếu không khẩn trương thích ứng với dân số vàng sẽ mất cơ hội tận dụng khi tốc độ già hóa dân số đang gia tăng; chất lượng dân số chưa cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại... 

Đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành dân số trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, nước ta đã duy trì 15 năm liền mức sinh thay thế; cơ bản duy trì được tỷ số giới tính khi sinh là 111,8/100; đạt kết quả tốt trong tầm soát cho bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số. Điều đó là nhờ sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác dân số; một số tỉnh đã có nghị quyết về mức hỗ trợ thù lao cho cộng tác viên dân số. Lực lượng dân số ở địa phương đã trực tiếp tham gia, đóng góp vào công tác chống dịch Covid-19; vào những thời điểm giãn cách xã hội, lực lượng này còn giúp cho người dân tiếp cận và thực hiện các dịch vụ KHHGĐ dễ dàng hơn. 

Năm 2022, mặc dù đứng trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp với những biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh song công tác dân số cũng có thuận lợi khi tiêm chủng vaccine được bao phủ; người dân chủ động trong phòng, chống dịch; việc tiếp cận với dịch vụ KHHGĐ thuận lợi hơn. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, Tổng cục Dân số tập trung hoàn thiện Luật Dân số để trình Quốc hội; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 137/NQ-CP; khẩn trương tham mưu Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Dân số; phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan bố trí nguồn lực ngân sách chi hàng năm cho 8 đề án đã được phê duyệt...

Về phía địa phương, các Sở Y tế cần bố trí ngân sách cho công tác dân số địa phương từ nguồn ngân sách được phân bổ để thực hiện; tranh thủ bố trí các nguồn lực khác; tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến huyện, xã. Xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, cân đối tuyển dụng viên chức cho công tác dân số tại Trung tâm y tế đa chức năng; quan tâm và có nguồn lực động viên cho cộng tác viên dân số thôn, bản. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân hiểu, chuyển nhận thức về dân số và phát triển; thúc đẩy phong trào mỗi gia đình sinh đủ hai con; xử lý nghiêm việc lựa chọn giới tính khi sinh ở các cơ sở y tế...

Minh Nhật