Linh hoạt, quyết liệt, căn cơ

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:28 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 21.10, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Do đó, Chính phủ cần có các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, căn cơ, kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, chăm lo cho người dân, vực dậy và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Sử dụng biện pháp tài khóa để tăng nguồn lực phục hồi kinh tế

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tôi đồng tình với mục tiêu tăng trưởng GDP do Chính phủ đề ra ở mức 6 - 6,5%. Tuy nhiên, việc chúng ta có đạt được mục tiêu đề ra hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản phòng, chống dịch. Thời gian tới, Chính phủ cần đặt mục tiêu hàng đầu là thực hiện chiến lược bao phủ vaccine cho toàn dân, nhằm bảo đảm thích ứng an toàn với Covid-19. Bên cạnh nguồn cung vaccine ngoài nước, cần tập trung thúc đẩy sản xuất vaccine nhằm bảo đảm chủ động nguồn cung vaccine trong nước.

Đến thời điểm này, sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp đều đã suy kiệt. Gần 1 năm qua, doanh nghiệp hầu như không hoạt động được, trong khi chi phí rất lớn. Chúng ta đã có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 như các chính sách giãn, giảm, miễn thuế, phí nhưng những biện pháp này mới giảm bớt khó khăn chứ chưa đưa ra động lực cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là giai đoạn phải bổ sung nguồn lực để tiếp sức cho doanh nghiệp. Cách phổ biến nhất là có nguồn vốn cho doanh nghiệp vay. Tuy nhiên, không thể thực hiện qua con đường cho vay thương mại bình thường vì trong giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp đầu tư chưa biết có hiệu quả hay không, nếu cho vay với mức lãi suất như bình thường thì doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn. Do vậy, để doanh nghiệp vay được vốn với giá rẻ, Chính phủ cần trích ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều cần được hưởng chính sách cấp bù lãi suất. Nếu thực hiện chính sách này, số tiền chúng ta phải bỏ ra không phải lớn, khoảng 30 - 40.000 tỷ đồng từ ngân sách, với mức chênh lệch lãi suất khoảng 3 - 4%, để lãi suất doanh nghiệp được vay thấp hơn mức lạm phát (hiện nay đang ở mức 4%) thì ngay cả khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả lắm thì cũng không bị thua lỗ. Với 30 - 40.000 tỷ đồng bỏ ra để cấp bù lãi suất thì chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng, thêm 10% so với dư nợ hiện nay. Đây là mức phù hợp để tiếp sức cho nền kinh tế. Nợ công hiện nay mới chỉ ở mức 43,7%. Đây là dư địa rất tốt để Chính phủ mạnh dạn sử dụng biện pháp tài khóa nhằm tăng nguồn lực cho phục hồi kinh tế. 

ĐBQH Lê Minh Hoan (Đồng Tháp): Nâng cao sức chống chịu và tự chủ của nền kinh tế

Đến bây giờ chúng ta cũng không biết rõ “bình thường mới” ra sao. Thực tế, trong trạng thái bình thường mới thì không còn bình thường nữa. Chấp nhận sống chung với dịch Covid-19 không chỉ là vấn đề về y tế mà còn liên quan tới cả mô thức vận hành nền kinh tế và mọi hoạt động của xã hội. Do vậy, chúng ta cần cùng nhau "giải mã" để định hình, dự báo về tương lai sau đại dịch Covid-19 và có chiến lược, giải pháp phù hợp. Cần dự đoán, đánh giá được tác động sau đại dịch như thế nào tới kinh tế - xã hội; ngành nào sẽ mất đi, ngành nào sẽ ra đời. Ví dụ, ngay cả khi đại dịch Covid-19, thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh thì phải chăng đó chính là “mũi nhọn” cần tập trung để chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử? 

Trong bối cảnh khó đoán định của đại dịch Covid-19, cần xem xét đến tính tự chủ của nền kinh tế, rất nhiều “đầu vào” của các ngành kinh tế hiện đang phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là vấn đề phải tính toán trong thời gian tới, ngay cả với ngành nông nghiệp, khoảng 70 - 80% nguyên liệu đầu vào hiện vẫn phải nhập khẩu. Chỉ cần một sự "lung lay" của thị trường là nông dân chăn nuôi cũng gặp khó khăn đủ đường. Do đó, phải có chính sách nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ của nền kinh tế.

Hiện nay, chúng ta đang vận động, khuyến khích lao động trở lại các nhà máy nhằm tránh đứt gãy chuỗi ngành hàng. Điều này đúng về mặt kinh tế. Nhưng phải chăng nhân dịp này cũng cần xem xét, tìm kiếm giải pháp để nâng mặt bằng thu nhập, cải thiện an sinh cho người lao động, công nhân, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Chúng ta cũng nên xác lập một mặt bằng mới về chất lượng sống cho công nhân, người lao động ở các đô thị. 

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang): 3 trọng tâm tăng trưởng kinh tế

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), nếu kết quả không nổi bật thì khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong 5 năm tới hết sức khó khăn. Vậy động lực để phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 là gì? Qua báo cáo của Chính phủ, chúng ta thấy có ba trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Việc xác định 3 trọng tâm này là rất đúng đắn trong tình hình khó khăn hiện nay nhưng quan trọng là cách làm, cách triển khai phải thật sự hiệu quả, nhất là khắc phục rốt ráo những hạn chế, vướng mắc trong đầu tư công.

Về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tôi cơ bản nhất trí với 12 nhóm nhiệm vụ được Chính phủ báo cáo. Đối với chính sách tiền tệ, tín dụng, cần tiếp tục giảm lãi suất vay, tập trung giúp doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp hơn, tái cơ cấu nợ vay. Đồng thời phải rà soát lại thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là việc phát sinh nợ xấu để tránh đổ vỡ. Về chính sách tài khóa, mặc dù gói hỗ trợ tài khóa đã được ban hành, nhưng quy mô theo đánh giá của các chuyên gia còn nhỏ. Vì vậy, trong các tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022, phải đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn.

H. Ngọc - T. Chi - H. Long ghi