Liệu có một Polexit?

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 07:02 - Chia sẻ
Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu và Ba Lan liên quan đến việc nước này không chấp nhận tuân thủ phán quyết của Tòa án châu Âu được đẩy lên một nấc mới sau khi EU quyết định ra tối hậu thư cho Warsaw 2 tháng nếu không muốn phải chịu các biện pháp trừng phạt tài chính. Quyết định của Ba Lan một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về cơ sở tồn tại của Liên minh lá cờ xanh cũng như khả năng một Polexit (Ba Lan rời khỏi EU) có thể xảy ra.

Tối hậu thư của EU

Liên minh châu Âu (EU) đã có hành động pháp lý chống lại Ba Lan vì phớt lờ luật pháp của khối và làm suy yếu tính độc lập về tư pháp.

Thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan cao nhất về hành pháp của EU - hôm đầu tuần cho biết, các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan vi phạm các nguyên tắc chung về quyền tự chủ, tính ưu tiên, tính hiệu quả và sự áp dụng thống nhất của luật Liên minh và các phán quyết ràng buộc của Tòa án Công lý (ECJ). Ba Lan sẽ có 2 tháng để hồi đáp thông báo chính thức của EC. Nếu EC không hài lòng với hồi đáp của Warsaw, cơ quan này có thể gửi Ba Lan kiến nghị, yêu cầu nước này tuân thủ luật pháp EU - văn bản này cũng có thời hạn hồi đáp là 2 tháng. Sau thời gian nói trên, EC có thể kiện Ba Lan ra ECJ và tòa có thể áp đặt các mức phạt mỗi ngày cho đến khi Warsaw tuân thủ kiến nghị. EC đã áp dụng hình thức phạt này với Ba Lan trong hai vụ kiện khác, với mức phạt lên đến 1,5 triệu euro/ngày.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 19.10  Nguồn: Reuters
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 19.10
Nguồn: Reuters

Trong căng thẳng mới nhất giữa Warsaw và Brussels, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết hồi tháng 7 rằng chính phủ Ba Lan nên đình chỉ hoạt động Tòa án Tối cao của nước này do đội ngũ thẩm phán ở Ba Lan bị cho là thiếu tính độc lập thực sự. Tuy nhiên, Ba Lan đã phớt lờ phán quyết đó, buộc EC yêu cầu ECJ trong tháng 9 đưa ra các hình phạt tài chính đối với Warsaw. Quyết định mới nhất từ ECJ được công bố hôm 27.10 đưa ra mức phạt mỗi ngày đối với Ba Lan là một triệu euro.

Phản ứng của Ba Lan

Phản ứng trước động thái trên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 22.12 cho rằng quyết định của EU phản ánh xu hướng chủ nghĩa tập trung quan liêu ở Brussels và cần phải được chấm dứt. Ông Morawiecki cho rằng các cơ quan trung ương EU cho mình quyền quyết định về năng lực của các nước thành viên, Ba Lan sẽ không cúi đầu trước áp lực tài chính của EU.

Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan Sebastian Kaleta thì gọi động thái của EU là "một cuộc tấn công vào Hiến pháp Ba Lan và chủ quyền của nước này". Cựu Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo gay gắt cho rằng: "Đây không còn là cuộc tranh chấp pháp lý nữa, đó là một cuộc tấn công vào Hiến pháp Ba Lan và các nền tảng của Ba Lan".

Giữa quyền và nghĩa vụ

Nghi vấn về tính độc lập tư pháp ở Ba Lan là chủ đề gây tranh cãi trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan và đội ngũ thẩm phán vốn bị EC phản đối đã ra phán quyết rằng một vài điều khoản của các hiệp ước EU và một vài phán quyết của tòa án EU đi ngược lại luật cao nhất của Ba Lan (Hiến pháp). Quyết định nói trên của Ba Lan thách thức quyền tối cao của luật pháp châu Âu và nền tảng của khối.

Liên minh châu Âu được xây dựng trên nguyên tắc các quốc gia thành viên chấp nhận luật pháp EU cao hơn so với luật pháp nước họ, dù họ vẫn có quyết định cuối cùng trong một số lĩnh vực chính sách. Điều này đồng nghĩa với việc một quốc gia EU được tự do quyết định chính sách tài khóa của mình nhưng quốc gia đó phải tuân thủ vấn đề về nợ công và thâm hụt theo quy định của EU. Trọng tài cuối cùng của hệ thống luật pháp EU là Tòa án Công lý châu Âu ở Luxembourg, theo hiệp ước thành viên.

Ba Lan đã đồng ý về tính tối cao của luật pháp EU khi nước này trở thành thành viên của khối vào năm 2004, nhưng Chính phủ của đảng Luật pháp và Công lý theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu (Pis) lên nắm quyền vào năm 2015 đã tìm cách thách thức nguyên tắc đó, đồng thời đưa các tòa án trong nước vào tầm kiểm soát chính trị.

Việc Tòa án Hiến pháp ra phán quyết Hiến pháp Ba Lan cao hơn các hiệp định EU đã gây ra phản ứng giận dữ từ giới chính trị gia khối này. Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng thẩm quyền của mình để bảo vệ tính tối thượng của luật pháp EU. Họ cáo buộc Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đặt quốc gia này vào hành trình "Polexit", làm dấy lên viễn cảnh Warsaw rời EU như Anh đã từng làm.

"Với tuyên bố các hiệp ước EU không tương thích với luật pháp Ba Lan, Tòa án Hiến pháp bất hợp pháp ở Ba Lan đã đặt quốc gia này vào lộ trình Polexit (Ba Lan rời EU)" - nghị sĩ châu Âu Jeroen Lenaers khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cho biết khi các nhà lãnh đạo tập trung tại Brussels tham dự hội nghị thượng đỉnh: "Cơ sở pháp lý của liên minh chúng ta bị thách thức. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Nhưng chưa bao giờ liên minh bị đẩy vào tình huống đầy hoài nghi như vậy". Ông Davide Sassoli nhấn mạnh: "Phán quyết hôm nay ở Ba Lan không thể không có hậu quả. Tính tối thượng của luật pháp EU là không thể bàn cãi".

Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders thông báo Brussels sẽ hành động để  bảo đảm tính tối thượng của luật pháp EU, cũng như của tòa án cao nhất khối: Tòa án Công lý châu Âu.

Phản ứng trước động thái của Ba Lan, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho rằng: "Nếu quốc gia thành viên muốn có những lợi thế (quyền lợi) trong khối thì họ cần phải tôn trọng các quy tắc (nghĩa vụ). Họ không thể là thành viên của một khối mà lại nói rằng các quy tắc không áp dụng đối với họ".

Những tranh cãi nội khối không chỉ có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng cơ bản mới cho EU, liên minh 27 thành viên vẫn đang chật vật vì hậu quả của Brexit (Anh rời khỏi EU), mà còn có thể tước đi các khoản tài trợ hào phóng của EU dành cho Ba Lan. EC trước đó tạm thời hoãn kế hoạch chi cho Ba Lan 36 tỷ euro từ quỹ của EU nhằm hỗ trợ nền kinh tế của các quốc gia thành viên phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trong khi nhiều nước tỏ ra thất vọng trước những nỗ lực bất thành trong việc thuyết phục Warsaw thay đổi chiến lược, Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel cảnh báo không nên cô lập Ba Lan để tránh nguy cơ một Polexit. Bà Merkel nói: "Chúng ta phải tìm cách đoàn kết trở lại và việc đưa nhiều vụ kiện chống lại Ba Lan lên Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu không phải là giải pháp".

Quốc Đạt