Liên minh Mỹ - Hàn Quốc: Sự cân bằng khó khăn

- Thứ Hai, 31/05/2021, 07:19 - Chia sẻ
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã diễn ra cách đây hơn 1 tuần nhưng đến nay nhiều người vẫn đặt câu hỏi, sự kiện này đã giúp cả hai thiết lập liên minh Hàn Quốc - Mỹ như thế nào và nó ảnh hưởng đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ra sao?

Hàn Quốc và Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ thúc đẩy được mở rộng ra ngoài lĩnh vực quân sự và ngoại giao, hiện bao gồm cả các vấn đề nhân đạo toàn cầu như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu cũng như đổi mới công nghệ. Điều đó cho phép Hàn Quốc đáp ứng các mục tiêu chính sách của Mỹ mà không cần có lập trường rõ ràng chống lại Trung Quốc.

Một kết quả chính từ cuộc gặp thượng đỉnh là Hàn Quốc hiện có nhiều quyền tự do hơn để quyết định mình sẽ đóng góp như thế nào vào chiến lược trên, như Pháp, Đức và Anh đã và đang làm. Ví dụ, ngày 22.5, hàng không mẫu hạm mới của Anh, HMS Queen Elizabeth, đã khởi hành chuyến đi đầu tiên của mình như một phần của nhóm tấn công bao gồm các tàu và máy bay của Mỹ, và trên đường đến Biển Đông.

	Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Từ quan điểm của Mỹ, Hàn Quốc là mắt xích yếu nhất trong việc cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Thật vậy, trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, khi Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được thể hiện rõ ràng là nỗ lực trong khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc, việc Hàn Quốc miễn cưỡng tham gia đã dẫn đến một số xích mích nghiêm trọng với Mỹ. Ông Moon và ông Trump bất đồng về nhiều vấn đề khác nhau như: Hàn Quốc phải trả bao nhiêu để hỗ trợ Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), cách đối phó với Triều Tiên cả về quân sự và kinh tế, và mức độ USFK nên đóng vai trò chống Trung Quốc, dù ở Biển Đông, Biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan.

Mỹ và Hàn Quốc thừa nhận rằng, mặc dù lợi ích của họ không hoàn toàn trùng khớp, nhưng có một điểm chung rất đáng kể. Tất nhiên, nó phù hợp với chiến lược “nước Mỹ trở lại” của Tổng thống Biden cũng như chương trình nghị sự chính trị trong nước của Tổng thống Moon trong việc thể hiện một thỏa thuận hài hòa với chiến lược địa chính trị của Mỹ và chấp nhận thiện chí của một tổng thống Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc hy vọng, bằng cách thay đổi lập trường của mình đối với liên minh Hàn Quốc - Mỹ, ông có thể giúp duy trì quyền lực của đảng mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Đây là chuyến đi thứ tư của ông Moon đến Mỹ trên cương vị tổng thống, nhưng lần đầu tiên ông đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington, nơi ông đặt vòng hoa tại bia mộ của những người lính vô danh để vinh danh các cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông cũng đã tham dự lễ động thổ xây dựng thêm Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên ở Washington, Bức tường ký ức; tham gia buổi lễ mà tại đó một cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên được trao tặng Huân chương Danh dự. Tổng thống Moon cũng gặp các nhà lãnh đạo của Quốc hội Mỹ.

Một sự thay đổi chính sách rõ ràng đang diễn ra. Trong khi ông Moon trước đây ngụ ý rằng Mỹ “hủy hoại” Sáng kiến hòa bình bán đảo Triều Tiên của ông, từ đó gây tổn hại đến chủ quyền quân sự và quyền tự chủ chính trị của Hàn Quốc, thì có vẻ như giờ đây ông chấp nhận cách tiếp cận ngoại giao kín đáo và răn đe nghiêm khắc của Tổng thống Biden trong việc đối phó với Triều Tiên. Hơn nữa, chỉ huy sắp tới của USFK đã nói về việc hợp tác chặt chẽ hơn với Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) và Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương để giải quyết các vấn đề khu vực trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Tổng thống Moon dường như đã đồng ý với chỉ huy các lực lượng phối hợp Hàn Quốc - Mỹ là họ sẽ tham gia vào an ninh khu vực rộng lớn hơn, bao gồm Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Theo tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, cả hai nước “phản đối mọi hoạt động phá hoại, gây mất ổn định hoặc đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cam kết duy trì một Ấn Độ - Thái Bình Dương bao trùm, tự do và cởi mở”.

Mở rộng Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí, về cơ bản liên minh Mỹ - Hàn Quốc về quân sự nên được mở rộng thành quan hệ đối tác liên quan đến các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực hơn, nhưng có sự khác biệt đáng kể về điểm nhấn. Tổng thống Biden xem liên minh Mỹ - Hàn Quốc là cốt lõi của Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo, đồng thời mong đợi Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ với các thể chế đa phương khác, bao gồm hợp tác an ninh ba bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản, cũng như cái gọi là Bộ Tứ mở rộng. Tuy nhiên, Tổng thống Moon khó có thể làm mếch lòng Trung Quốc và đáng chú ý là tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh không đề cập đến tên Trung Quốc.

Về vấn đề Triều Tiên, cả hai nhà lãnh đạo đang khá tương đồng. Mục tiêu của họ vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đồng thời hy vọng sẽ lôi kéo được Triều Tiên trong các cuộc đàm phán thông qua một cách tiếp cận thực tế, hiệu chỉnh dựa trên đánh giá kéo dài một tháng của chính quyền Biden về chính sách Triều Tiên. Tổng thống Biden đang cố gắng vượt qua những thất bại của các tổng thống trước đây, cả “sự kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Obama lẫn cách tiếp cận từ trên xuống của người tiền nhiệm Donald Trump. Còn Tổng thống Moon hài lòng với việc các thỏa thuận trước đó sẽ tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận trong tương lai, cụ thể là Tuyên bố Panmunjom năm 2018 giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tuyên bố chung Singapore do Chủ tịch Kim Jong Un và cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19 cũng đã được thảo luận tại hội nghị. Có thông tin cho rằng, Tổng thống Biden từ chối đề xuất của Tổng thống Moon về một chương trình hoán đổi vaccine, ý tưởng là Mỹ sẽ cung cấp vaccine ngay bây giờ để giảm bớt sự thiếu hụt ở Hàn Quốc, với một số lượng tương tự sau đó được trả lại cho Mỹ. Tuy nhiên, để hỗ trợ liên minh Hàn Quốc - Mỹ, ông Biden đề nghị cung cấp đủ liều tiêm chủng cho tất cả lực lượng quân sự đang hoạt động của Hàn Quốc, lên tới 550.000 nhân sự, nhằm bảo vệ họ và các lực lượng Mỹ mà họ hợp tác chặt chẽ. Ngoài ra, các kế hoạch của Tổng thống Moon muốn đưa Hàn Quốc trở thành trung tâm vaccine của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã được thúc đẩy bởi các hợp đồng ký với Samsung để thực hiện các giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất vaccine Moderna tại Hàn Quốc.

Ngày càng khó khăn

Chính quyền của Tổng thống Moon đang phải đối mặt với những chỉ trích trong nước, đặc biệt là về các chính sách nhà ở, và ông chắc chắn hy vọng rằng việc tiếp cận nhiều hơn với vaccine của Mỹ sẽ đảo ngược vận mệnh chính trị của mình, như đã diễn ra ở những quốc gia có chương trình tiêm chủng hiệu quả, đáng chú ý nhất là ở Anh. Tổng thống Biden đã cung cấp đủ liều để tiêm phòng cho quân nhân tại ngũ ở Hàn Quốc. Những liều này là một phần thắng lợi cho Tổng thống Moon, nhưng đất nước kim chi vẫn thiếu đủ liều vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng trước khi kết thúc quý III, thời điểm rất dễ xảy ra đợt bùng phát mới. Tổng thống Moon từng hy vọng sớm tái liên kết với Triều Tiên để xem xét Thỏa thuận Singapore 2018, nhưng vấn đề vaccine hiện có ý nghĩa chính trị hơn, vì vậy các cuộc đàm phán sớm dường như khó xảy ra.

Tổng thống Biden đã sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh một cách hiệu quả để nhắc Tổng thống Moon rằng, các quyền tự do, dân chủ mà người Hàn Quốc được hưởng phụ thuộc vào liên minh Mỹ - Hàn Quốc, và cả về vai trò rộng lớn hơn của Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo của thế giới tự do và là người bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành. Thông điệp này nhằm vào một số nhân viên và bộ trưởng thiên tả của ông Moon, cũng như các quốc gia khác trong khu vực: Bây giờ không phải là lúc bỏ bê quan hệ đối tác và liên minh quân sự của họ với Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Moon là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai được mời tới Nhà Trắng, chỉ sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Tổng thống Biden rõ ràng mong đợi Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh và đóng vai trò tích cực hơn trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Mặc dù sự can dự trực tiếp với Bộ Tứ vẫn chưa có trong ván bài, nhưng áp lực rất lớn đối với Hàn Quốc khi phải rời xa Trung Quốc và hướng về Mỹ. Tại cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Moon đưa ra mức độ thay đổi chính sách tối thiểu mà chính quyền của Tổng thống Biden có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, chắc chắn chính sách Trung Quốc của Hàn Quốc sẽ được phối hợp chặt chẽ hơn với Mỹ so với trước đây.

Tổng thống Moon hy vọng, Trung Quốc sẽ thực dụng về những thay đổi chính sách của Hàn Quốc và thay vì làm phức tạp thêm tình hình Triều Tiên, Trung Quốc sẽ cố gắng ổn định bán đảo Triều Tiên bằng cách gây ảnh hưởng lên chế độ của Chủ tịch Kim. Hiện tại, phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc gặp Biden - Moon vừa qua là thận trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiểu rằng, các khoản đầu tư công nghệ cao của Hàn Quốc vào Mỹ thể hiện động thái hướng tới sự tách biệt kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy vậy, với tầm quan trọng toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tăng trưởng, họ có thể chờ xem mọi thứ diễn ra như thế nào.

Cuối cùng, bất chấp thông điệp được đưa ra từ hội nghị thượng đỉnh, Hàn Quốc đã cẩn thận tránh xuất hiện lập trường quân sự chống lại Trung Quốc. Hải quân Hàn Quốc sẽ không tham gia vào hoạt động hàng hải tự do do Mỹ lãnh đạo ở Biển Đông, cũng như không quá cảnh eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, hành động cân bằng của Hàn Quốc giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Ngọc Minh