Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 Quốc hội giao và để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đang có chiều hướng giảm, các nước bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tăng trở lại, giá xăng dầu có xu hướng tăng mạnh. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 28.5 đã tăng khoảng 27-63% so với kỳ trước.
Giá xăng sẽ tăng gần 900 đồng/lít, từ 15 giờ, chiều 28.5 |
Cụ thể giá bình quân các sản phẩm xăng dầu ở mức: 32,806 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 8,386 USD/thùng, tương đương tăng 34,34% so với kỳ trước); 35,612 USD/thùng xăng RON95 (tăng 9,188 USD/thùng, tương đương tăng 34,77% so với kỳ trước); 35,794 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 7,733 USD/thùng, tương đương tăng 27,56% so với kỳ trước); 32,200 USD/thùng dầu hỏa (tăng 12,450 USD/thùng, tương đương tăng 63,03% so với kỳ trước); 182,117 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 48,539 USD/tấn, tương đương tăng 36,34% so với kỳ trước).
Thực tế, nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại thị trường trong nước tăng mạnh sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định điều hành các mặt hàng xăng dầu theo phương án đảm bảo giá xăng dầu trong nước có xu hướng biến động theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, phải bảo đảm giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng Quỹ Bình ổn giá để giảm mức tăng giá đối với các mặt hàng xăng dầu, đồng thời duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý để có dư địa điều hành giá xăng dầu cho những kỳ tiếp theo trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp nhưng có xu hướng tăng.
Việc điều hành giá xăng dầu cũng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 Quốc hội giao, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Quốc hội và Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít (bằng mức kỳ trước), xăng RON95 trích lập ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu diesel ở mức 1.100 đồng/lít (kỳ trước 1.400 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít (kỳ trước 1.600 đồng/lít) và dầu mazut trích lập ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 500 đồng/kg). Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 600 đồng/lít, xăng RON95 400 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92: tăng 882 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 890 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 892 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 875 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 947 đồng/kg.
Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 12.402 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 13.125 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 10.749 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 8.757 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.492 đồng/kg.