Lệnh ngừng bắn mong manh

- Thứ Bảy, 22/05/2021, 06:15 - Chia sẻ
Israel và lực lượng Hamas ở Palestine vừa cùng tuyên bố ngừng bắn sau 11 ngày giao tranh ác liệt. Cả hai bên đều nhận chiến thắng thuộc về mình, nhưng nhiều nhà quan sát quốc tế vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng kéo dài của lệnh ngừng bắn.

Sức tàn phá của 11 ngày giao tranh

Mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập họp Hội đồng An ninh và đồng ý với sáng kiến của Ai Cập về thỏa thuận ngừng bắn song phương vô điều kiện. Thời gian ngừng bắn được chính thức có hiệu lực vào 6 giờ sáng ngày 21.5, giờ Việt Nam. Hãng tin AFP cho biết, 2 phái đoàn của Ai Cập sẽ đến Tel Aviv và các lãnh thổ Palestine để giám sát việc triển khai thỏa thuận cũng như các quy trình duy trì ổn định lâu dài.

		Nguồn: AFP
Nguồn: AFP

Như vậy, thỏa thuận ngừng bắn đã khép lại đợt giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến 50 ngày năm 2014. Căng thẳng nổ ra ngày 10.5 khi lực lượng Hamas tại Gaza phóng rocket tầm xa về phía Jerusalem, sau khi các cuộc đụng độ kéo dài nhiều ngày nổ ra giữa người biểu tình Palestine với cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa.

Trong 11 ngày giao tranh, các cuộc không kích của Israel đã khiến 232 người Palestine, trong đó có 65 trẻ em thiệt mạng. Ít nhất 12 người tại Israel, trong đó có 2 trẻ em, thiệt mạng do Hamas bắn rocket vào Israel. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thực hiện hàng loạt vụ đánh bom vào Gaza, nhằm phá hủy hệ thống đường hầm khổng lồ và các cơ sở khác của Hamas. Khoảng 72.000 người dân sống tại Gaza đã mất nhà cửa. Ở chiều ngược lại, lực lượng Hamas đã bắn hơn 4.000 quả rocket vào Israel.

Lệnh ngừng bắn có kéo dài?

Dù Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza của Palestine đã thống nhất ngừng bắn nhờ trung gian là Ai Cập và Qatar, nhưng mâu thuẫn vẫn tiếp diễn khi cả hai bên đều tự tuyên bố chiến thắng.

Tại Tel Aviv, các quan chức Bộ Quốc phòng Israel đã cùng các Bộ trưởng trong Nội các đánh giá “những thành tích tuyệt vời” mà Israel đạt được trong chiến dịch lần này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Benny Gantz ca ngợi lực lượng IDF vì những thành tích chưa từng có về sức mạnh, độ chính xác, chiến lược trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố trên Dải Gaza mà Israel gọi là Chiến dịch Bảo vệ tường thành. Quân đội Israel cho biết, trong hơn chục ngày không kích dữ dội, họ đã tiêu diệt nhiều tay súng, phá hủy kho vũ khí, rocket và mạng lưới địa đạo của Hamas.

Mặc dù có lệnh ngừng bắn, nhưng ông Gantz vẫn khẳng định, quân đội Israel tiếp tục duy trì cảnh giác cao độ trước những cuộc tấn công từ Gaza. Bản thân Văn phòng Thủ tướng Israel cũng ra thông báo, IDF sẽ được lệnh tái khởi động chiến dịch chống lại các tổ chức vũ trang tại Gaza nếu các tổ chức này có dấu hiệu không tuân thủ lệnh ngừng bắn. Thông báo nêu rõ: “Tình hình thực địa sẽ quyết định có nối lại chiến dịch quân sự hay không”. Điều đó có nghĩa là, chỉ cần một quả tên lửa được bắn ra thì “chảo lửa Gaza” sẽ lại bùng lên dữ dội. Do đó, nhiều chuyên gia và nhà quan sát chính trị thế giới nhận định, lệnh ngừng bắn vừa đạt được rất mong manh. Thực tế, ngay trước khi thời hạn ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, tiếng còi báo động của nhiều cộng đồng người Israel gần Dải Gaza vẫn rú lên do tên lửa từ Hamas.

Từ phía Hamas, Thủ lĩnh Khalil al-Hayya, nhân vật có quyền lực thứ 2 trong phong trào này cũng tuyên bố chiến thắng trước Israel. Trong bài phát biểu trước hàng nghìn người dân đang ăn mừng trên Dải Gaza, ông Khalil al-Hayya cam kết với người dân Palestine rằng sẽ nhanh chóng tái thiết các căn nhà bị phá hủy trước loạt đòn không kích của Israel. Một quan chức Hamas khác phát biểu với hãng tin AP, lệnh ngừng bắn là “chiến thắng” đối với người Palestine và sự thất bại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trong khi đó, theo BBC, ông Basem Naim, thành viên Hội đồng Đối ngoại Hamas, tỏ ra nghi ngờ, liệu lệnh ngừng bắn kéo dài lâu? “Nếu không có công lý cho người Palestine, không có ngăn chặn sự xâm lược của Israel và hành động tàn bạo của Israel đối với người dân của chúng tôi ở Jerusalem, thì lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục mong manh”, ông nói. Một thành viên khác thuộc văn phòng chính trị của Hamas là Izzat al-Reshiq cũng lên tiếng cảnh báo Israel: “Đúng là cuộc chiến đã kết thúc nhưng ông Netanyahu và cả thế giới nên biết rằng, ngón tay chúng tôi vẫn còn đặt trên cò súng và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc kháng chiến của mình”.

Thế giới tạm yên tâm

Dù chưa biết tình hình ngày mai sẽ diễn biến như thế nào, nhưng trước mắt người dân trên Dải Gaza, người Ảrập tại Israel và người Palestine ở Đông Jerusalem, khu vực Bờ Tây đều ăn mừng rộn ràng sau khi lệnh ngừng bắn được áp dụng. Lệnh ngừng bắn này đã nhận được sự hoan nghênh và chúc mừng từ cộng đồng quốc tế. Nga và Mỹ, hai quốc gia có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông ngay lập tức có động thái để nâng cao hiệu quả lệnh ngừng bắn.

Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về tình hình leo thang căng thẳng trên Dải Gaza, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy, đã kêu gọi tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng của Bộ Tứ Trung Đông (bao gồm Nga, Mỹ, EU và LHQ) càng sớm càng tốt để sớm giảm nhiệt căng thẳng cũng như tạo môi trường tin tưởng giữa đôi bên. Đồng thời, ông đề xuất thêm một cuộc họp cấp bộ trưởng theo mô hình Bộ Tứ Trung Đông mở rộng với sự tham gia của các quốc gia khác trong khu vực. Ông Polyanskiy nhấn mạnh, giải quyết những khác biệt về chính trị trên Dải Gaza là biện pháp duy nhất để hóa giải căng thẳng. Ông hy vọng, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ kéo dài.

Từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ lập tức tới Trung Đông và gặp quan chức Israel, Palestine cũng như các đối tác trong khu vực để bàn về nỗ lực khôi phục, phối hợp xây dựng tương lai tốt hơn cho người dân Israel và Palestine.

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông nhìn thấy cơ hội thật sự để hướng tới mục tiêu lớn hơn là xây dựng hòa bình lâu dài ở Trung Đông. “Tôi tin chúng ta đang có một cơ hội thật sự để đạt được tiến triển”, “người Palestine và người Israel đều xứng đáng được sống một cách an toàn, bảo đảm và được hưởng tự do, thịnh vượng và dân chủ như nhau. Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao thầm lặng hướng tới mục tiêu đó”. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời nhấn mạnh, Washington sẽ làm việc với Liên Hợp Quốc và các nước để hỗ trợ nhân đạo giúp tái thiết Dải Gaza cùng với đối tác là chính quyền Palestine, chứ không không phải Hamas, bảo đảm không để Hamas khôi phục kho vũ khí. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ giúp Israel củng cố hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) để chống lại tên lửa được phóng từ Gaza.                                                         

Ngọc Minh tổng hợp