Lấy thực tiễn làm thước đo...

- Thứ Hai, 31/05/2021, 17:45 - Chia sẻ
Trong nhiệm kỳ qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời phối hợp tích cực, hiệu quả với các bộ, cơ quan ngang bộ trong soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh. Về cơ bản, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bảo đảm, được thông qua với tỷ lệ cao, trên 90%.

Năm 2020, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật và cho ý kiến về nhiều dự án luật khác, đưa tổng số văn bản đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ qua là 112 văn bản gồm 71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội và 17 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 8 luật. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, các bộ, ngành đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 5.330 văn bản quy phạm pháp luật, tăng 39,7% so với nhiệm kỳ trước...

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Tư pháp mới đây về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi ý các đại biểu phát biểu về những điểm “trăn trở, day dứt nhất” trong công việc; công tác phối hợp với các bộ, ngành; phân tích các nguyên nhân, các bài học kinh nghiệm; các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới…

"Phúc đáp" gợi ý này của Thủ tướng, các ý kiến tại cuộc làm việc đã nêu nhiều vấn đề. Đó là việc trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện công tác tư pháp vẫn còn hạn chế. Thậm chí, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; hiện chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật...

Cho dù đánh giá chung về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật của Bộ Tư pháp là có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, có những chuyển biến quan trọng, góp phần rà soát, khắc phục các quy định chồng chéo, khắc phục cơ bản tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh… Thế nhưng thực tế vẫn còn những hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.  Như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là quy trình xây dựng, phê duyệt, thông qua các quy định pháp luật còn rườm rà, mất nhiều thời gian, cầu toàn, trong khi thực tiễn cuộc sống diễn biến rất nhanh, khó dự đoán, khó lường.

Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm nhiệm vụ cho công tác tư pháp, các quy định về chi tiêu, bố trí nguồn lực cho công tác này còn bất cập. Sự phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chưa tốt, Bộ cũng chưa thực sự chủ động trong công tác này. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật chưa rõ ràng, chặt chẽ, chưa cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; công tác thi đua, khen thưởng kỷ luật chưa được coi trọng - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn cồng kềnh, một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập; tính dự báo, khả thi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao... Do vậy, cho dù việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đòi hỏi các bộ, cơ quan cùng vào cuộc nhưng Bộ Tư pháp phải đóng vai trò “tham mưu trưởng” cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, cơ quan nên đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa trong khâu thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Là "Tham mưu trưởng" Bộ tư pháp phải sớm xây dựng chiến lược lập pháp. Xác định các lĩnh vực quy định có thể thay đổi nhanh phù hợp sự vận động của thực tiễn; những lĩnh vực luật điều chỉnh tương đối ổn định; lĩnh vực ổn định thay đổi chậm... Từ đó đặt giải pháp cho từng lĩnh vực sát với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu quản lý nhà nước; đặt ra các ưu tiên và sửa quy trình xáy dựng trình Chính phủ thông qua dự án phù hợp; vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của mà vẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đây cũng chính là điểm yêu cầu của Thủ tướng cần tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo...

Ninh Khánh