Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Lấy người dân làm trung tâm

- Thứ Tư, 14/07/2021, 05:37 - Chia sẻ
Tại cuộc Đối thoại Phát triển địa phương 2021 với chủ đề “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới” diễn ra ngày 13.7, các đại biểu cho rằng, tham gia vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà công nghệ mà là của tất cả mọi người, trong đó lấy người dân làm trung tâm.

Tư duy quốc gia và hành động địa phương

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh:

Từ kinh nghiệm của tỉnh cho thấy để có thể thực hiện chuyển đổi số thành công cần sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đến người dân và doanh nghiệp đồng lòng thực hiện. Đồng thời, có nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; có cơ chế chính sách phù hợp kịp thời để thúc đẩy chuyển đổi số trong từng giai đoạn.

—————

Phó Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Nam Long:

Ngoài những khó khăn gây ra thì dịch Covid-19 cũng là tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Qua đó, thúc đẩy một số doanh nghiệp làm việc trên môi trường số sau 3 - 4 tháng chuẩn bị thay vì 3 năm; khối lượng giao dịch trực tuyến tăng lên đến 27 lần trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đang đặt ra những thách thức rất lớn cho đất nước. Trong bối cảnh đó, các địa phương đã chủ động, thích nghi, chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

Ông Thắng lưu ý, trong trạng thái bình thường mới cần nắm bắt cơ hội và nhận thức “trong nguy có cơ”. Điều này đồng nghĩa chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề phát triển không chỉ trong hoàn cảnh có dịch mà ngay sau khi kết thúc dịch bệnh để đạt được kết quả khả quan ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, “đây là thời điểm chúng ta rất cần có tư duy quốc gia và hành động địa phương để định vị được mình trong sự phát triển chung của đất nước, có chiến lược phát triển phù hợp với chiến lược tổng thể quốc gia. Từ đó khắc phục tình trạng cát cứ, mạnh ai nấy làm; phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện đặc thù của địa phương; đẩy mạnh kết nối và liên kết vùng, biến áp lực cạnh tranh trở thành cơ hội và động lực phát triển”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng của thời đại, ông Thắng nhắc lại Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, sự thích ứng với những thay đổi rất nhanh của thực tiễn trong nước, quốc tế, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia để tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại.

Thời gian qua, để ứng phó với đại dịch, chúng ta đã tăng cường ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ hơn, từ việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến, bán hàng qua mạng cho đến khai báo y tế, truy vết, đặt lịch tham gia xét nghiệm… Vì vậy, phải nắm bắt lấy đà này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trước tiên là chuyển đổi nhận thức từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng như mọi người dân. Tham gia vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà công nghệ mà là của tất cả mọi người. Đây cũng là ý nghĩa của việc lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Toàn cảnh Đối thoại
Ảnh: Quang Khánh

Đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh

Để thực hiện chuyển đổi số, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần quan tâm 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất, là hạ tầng công nghệ. Đây là điều kiện cần, mang tính then chốt, quyết định chất lượng chuyển đổi số. Thứ hai, là hệ thống thể chế, chính sách phải liên tục được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng và sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới, thậm chí là chưa từng có. Cùng với đó, là những cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ ba, là phát triển nhân tố con người, trong đó người lãnh đạo ở mọi cấp phải có nhận thức, quyết tâm và có tài tổ chức thực hiện, cùng với nguồn nhân lực phải được đào tạo các kỹ năng phù hợp trong không gian số. 

Để có được 3 yếu tố quan trọng này cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương, từ đó từng bước đạt được các mục tiêu quốc gia, ông Thắng chỉ rõ.

Tại cuộc đối thoại, các đại biểu lưu ý, trạng thái bình thường mới đòi hỏi sự thích nghi với những rủi ro ngày càng gia tăng trong quá trình phát triển. Vì vậy phải đẩy nhanh quá trình tăng trưởng xanh để tạo ra dư địa phát triển mới, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2020 suy thoái môi trường đã gây ra 10% tổn thất thu nhập ở Việt Nam, cao nhất trong 23 nước đang phát triển được đưa ra để so sánh. Giám đốc WB tại Việt Nam Carolyn Turk chỉ ra rằng, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu và hoàn toàn nằm trong khả năng chịu đựng được của nền kinh tế trong ngắn hạn và tạo ra được nhiều lợi ích cho đất nước trong dài hạn. Quá trình chuyển đổi này tương tác với chuyển đổi số, công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc, giám sát quá trình sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao thị trường trong nước và quốc tế. Tăng trưởng xanh cũng là phương thức để nắm được cơ hội to lớn mà những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… mang lại, Việt Nam cần đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường.

Cũng như quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh không phải tự nhiên có được mà đòi hỏi sự chung tay, hợp tác của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Để làm được điều này, theo bà Carolyn Turk, Việt Nam cần vượt qua một số thách thức như: Điều chỉnh các chính sách mang tính truyền thống; thay đổi hành xử chính quyền từ Trung ương tới địa phương, khu vực tư nhân và của tất cả mọi người. Muốn tạo ra thay đổi, Chính phủ cần xây dựng các chính sách để có thể thay đổi hành vi; tăng cường khả năng tiếp cận dữ liệu thông tin.

Ngoài ra, Việt Nam cần tìm hiểu thêm một số mô hình chuyển đổi số từ các quốc gia láng giềng. WB cam kết tham gia hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra những khuyến nghị mạnh mẽ, có hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam trong quá trình này, bà Carolyn Turk nói.

Vũ Quang