Lấy chuyển biến trên thực tiễn làm thước đo

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:37 - Chia sẻ
Theo các kết quả được công bố mới đây, hầu hết các chỉ số phản ánh nỗ lực của tỉnh trong công tác CCHC thời gian qua đều tăng hạng. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 của tỉnh nằm trong nhóm 6 địa phương đạt điểm cao nhất toàn quốc (tăng 5 bậc so với năm 2019). Phát huy kết quả đã đạt được, chính quyền các cấp trong tỉnh đang tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp để nâng tầm chất lượng phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và chuyển biến trên thực tiễn làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Vĩnh Phúc lấy sự hài lòng của người dân, lấy kết quả công việc làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền (ảnh trước khi bùng phát dịch Covid-19)
Nguồn: ITN

Thẳng thắn nhận diện các mặt còn hạn chế

Ngay sau khi bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Par Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2020 được công bố, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ngay lập tức tổ chức đánh giá, nhìn nhận lại kết quả đạt được và làm rõ các tồn tại, hạn chế. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hầu hết các chỉ số thuộc lĩnh vực CCHC của tỉnh đều có sự tăng điểm. Nổi bật là Chỉ số SIPAS đạt 9,04 điểm, tỷ lệ hài lòng 90,53%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2019). Tỉnh cũng tập trung nhận diện, đánh giá thẳng thắn nguyên nhân khiến 3 lĩnh vực trong bộ Chỉ số  Par Index 2020 bị giảm điểm gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách tài chính công để đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời. 

Theo UBND tỉnh, chất lượng báo cáo kiểm tra công tác CCHC vẫn chưa thực sự đầy đủ và đánh giá rõ việc xử lý kiến nghị sau kiểm tra. Với lĩnh vực cải cách TTHC, việc công khai, cập nhật TTHC một số lĩnh vực trên website http://hcc.vinhphuc.gov.vn còn chưa đầy đủ… Ngay sau đó, UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ CCHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các tiêu chí đánh giá liên quan bị trừ điểm hoặc sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đánh giá thấp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bắt tay ngay vào việc khắc phục tồn tại, hạn chế; tăng cường thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, kết quả bộ Chỉ số CCHC tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong triển khai, thực hiện. Mặt khác, các đơn vị cũng tập trung nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền cũng như công tác phối hợp giải quyết. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả được tăng cường. Công tác kiểm tra, giám sát, tiếp công dân, trách nhiệm giải trình đối với các vấn đề bức xúc của người dân được hướng vào thực chất, đo đếm bằng chuyển biến trên thực tiễn. 

Gắn trách nhiệm người đứng đầu          

Không dừng lại ở đó, nhằm nâng cao chất lượng CCHC, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của đối tượng phục vụ chính là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Với quyết tâm trên, tỉnh xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là giải pháp then chốt.

Cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên, định kỳ rà soát, đánh giá, gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, nhân rộng các gương điển hình, sáng kiến về CCHC, nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho tổ chức, công dân giải quyết TTHC. Cùng với đó, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện; triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh công khai, minh bạch nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC. Đặc biệt, vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương ký cam kết, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng CCHC.

Ngay sau khi ký cam kết với UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cam kết với nhiều giải pháp thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; ưu tiên giải quyết sớm các hồ sơ nộp trực tuyến; tương tác qua ứng dụng Zalo; thanh toán trực tuyến... Đến hết quý II vừa qua, toàn tỉnh có 2 đơn vị thực hiện hoàn thành 100% các chỉ tiêu cam kết (Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh); 9 đơn vị thực hiện trên 85% các chỉ tiêu cam kết… Đây là những kết quả hết sức đáng ghi nhận, phản ánh sự vào cuộc quyết liệt và sự thay đổi toàn diện trong nhận thức của hệ thống chính trị cũng như bộ máy quản lý nhà nước các cấp trong tỉnh đối với nhiệm vụ CCHC.

XUÂN VIỆT