Lao động về quê, nhân lực thiếu trầm trọng

- Thứ Tư, 06/10/2021, 07:10 - Chia sẻ
Hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm được dự báo sẽ dần hồi phục do dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và độ phủ vaccine ngày càng mở rộng. Kéo theo đó, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp rất lớn nhưng tuyển dụng rất khó vì phần lớn người lao động đã hồi hương hoặc tìm công việc khác.
Nguồn: ITN

Thiếu người, khó tuyển

Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 9.2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp, có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã tác động lên hoạt động kinh doanh ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với tỷ lệ 87,2% của khảo sát năm 2020. Kéo theo đó, người lao động cũng chịu tác động nặng nề. Trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Đặc biệt, tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ với 95% doanh nghiệp cho người lao động thôi việc, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung có tỷ lệ lần lượt là 93% và 92%.

Các chuyên gia dự đoán từ nay đến cuối năm hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ dần khôi phục do dịch bệnh đang dần được kiểm soát, thêm vào đó tốc độ “phủ” vaccine đã được đẩy mạnh. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, thiếu hụt nhân lực đang là vấn đề rất nan giải bởi hàng chục nghìn lao động đã hồi hương hoặc tìm công việc khác.

Trước ngày 1.10.2021, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 288 nghìn lao động, trong đó có hơn 70 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến”. Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại số lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp còn khoảng 135 nghìn người, chỉ bằng 46% so với trước đây, do vậy nên rất thiếu. Các doanh nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung lao động cho đơn vị mình.

Tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, lao động ngoại tỉnh tại doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty cho biết, nhiều người hiện chưa thể trở lại công ty do thiếu giấy tờ để làm thủ tục khi đi qua các chốt kiểm dịch của một số địa phương, số còn lại chưa được tiêm vaccine. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, lực lượng lao động tại Công ty Thuận Phước chỉ đạt tối đa 50% so với trước, có tới 30% lao động trở về địa phương và hiện nay vẫn chưa thể quay lại nhà máy. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động mới còn phải cạnh tranh gắt gao với các doanh nghiệp khác; nhiều lao động vẫn còn lo lắng, có tâm lý lo sợ dịch bệnh quay trở lại.

Tiêm vaccine cho lao động hồi hương

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, dự kiến số lao động quay lại nhà máy khi các tỉnh, thành phố lớn mở cửa trở lại chỉ khoảng 60 - 65%. Trong khi cuối năm thường là giai đoạn xuất khẩu tăng rất mạnh, việc thiếu lao động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hoàn thành đơn hàng. Nếu tuyển dụng nguồn lực mới, doanh nghiệp phải mất thêm một khoảng thời gian cũng như chi phí để đào tạo tay nghề.

Tương tự, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài cho biết, hơn 70% doanh nghiệp ngành gỗ tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Giá trị xuất khẩu của những doanh nghiệp tại khu vực này chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước. Từ tháng 7.2021 đến nay, hơn 50% doanh nghiệp ngành gỗ phải tạm “đóng băng” hoạt động và cắt giảm năng suất để phòng chống dịch. Hiện nay, doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng rất khó gọi người lao động quay lại làm việc, thậm chí đơn hàng nhiều hơn so với năm trước nhưng nhân lực sản xuất lại có hạn. Hơn nữa, đặc thù của ngành gỗ cần lao động có tay nghề và kinh nghiệm nhất định, không thể tuyển dụng ồ ạt như nhiều ngành khác.

Giới chuyên gia cho rằng, muốn thu hút lao động, doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn về mức lương, phụ cấp, bảo đảm quyền lợi về an sinh xã hội và an toàn dịch bệnh. Các địa phương cần ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho những lao động hồi hương và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động quay lại làm việc nếu có nhu cầu. Ngoài ra, thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh khai thác tiềm năng từ máy móc, công nghệ cũng là giải pháp quan trọng khi nguồn lực về con người có giới hạn.

Minh Trang