Sổ tay:

Lao động nữ với gánh nặng kép!

- Thứ Hai, 08/03/2021, 07:01 - Chia sẻ
Trước những tác động không mong muốn của đại dịch Covid -19 đến việc làm và lao động nữ, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã kêu gọi kêu gọi phụ nữ và nam giới thay đổi tư duy nhằm thay đổi hành vi kinh tế của họ, hướng tới đạt được bình đẳng giới trên thị trường lao động.

Báo cáo nghiên cứu “Giới và Thị trường Lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động - việc làm” cho thấy, trước đại dịch Covid -19, cả phụ nữ và nam giới đều có khả năng tiếp cận việc làm khá dễ dàng. Tuy nhiên, chất lượng việc làm ở phụ nữ nhìn chung thấp hơn nam giới. Lao động nữ chiếm đa phần trong những công việc dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình (việc nhà). Họ có mức thu nhập thấp hơn nam giới, bất luận số giờ làm tương đương và việc dần xóa bỏ chênh lệch giới về trình độ học vấn. Họ đồng thời cũng không nắm giữ nhiều các công việc ra quyết định như nam giới.

Ngoài ra, lao động nữ còn mang một gánh nặng kép không cân xứng. Bởi, họ là những người phục vụ chính cho gia đình mình, chẳng hạn như dọn dẹp, nấu ăn, hoặc chăm sóc gia đình và con cái. Một tỷ trọng thấp hơn đáng kể nam giới có tham gia làm việc nhà và trong số những người tham gia làm việc nhà đó, thì họ đều dành ít giờ hơn so với nữ. Có tới gần 20% lao động nam không hề dành bất kỳ quỹ thời gian nào cho việc nhà.

Đáng quan tâm hơn khi Báo cáo đã chỉ rõ: Tác động của Covid -19 đến thị trường lao động của Việt Nam không chỉ làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng hiện có mà còn tạo ra những bất bình đẳng mới. Mặc dù, phụ nữ trước đại dịch tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn mức trung bình của khu vực hoặc của các nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa hai giới. Hậu quả của đại dịch là nới rộng khoảng cách đó. Trong năm 2019, hầu như không có sự chênh lệch giữa nam và nữ trong cả nước về tỷ lệ thất nghiệp. Đến cuối quý III.2020, sự chênh lệch đã xuất hiện theo hướng bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, khiến gánh nặng kép của họ càng trở nên nặng hơn.

Theo nhiều chuyên gia về giới, lao động thì căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận, được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội lẫn luật pháp của quốc gia. Việc phụ nữ phải mang gánh nặng kép không chỉ là hiện tượng bây giờ mới được biết nhiều đến ở Việt Nam mà còn được truyền thống khích lệ. Người Việt Nam có câu ngạn ngữ nhắc nhở phụ nữ phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

TS. Chang Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Việt Nam cho rằng, bình đẳng trong thế giới việc làm của Việt Nam chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở chuyển dịch cách tiếp cận, từ chỗ bảo vệ phụ nữ sang tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả lao động, không phân biệt giới tính của họ. Ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 mở ra cơ hội thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm như thu hẹp khoảng cách tuổi hưu; lao động nữ sẽ không còn bị luật pháp loại trừ khỏi một số ngành nghề được coi là có hại cho chức năng chăm sóc và nuôi dạy con cái...

Tuy nhiên, Bộ luật này vẫn cấu trúc các điều khoản hướng tới bình đẳng giới dưới dạng gắn với lao động nữ. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ thu hẹp chênh lệch giới trên một số lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu này, cần một chuỗi các hoạt động thực chất được xúc tiến nhằm thách thức và xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới vốn tồn tại từ lâu trong truyền thống của Việt Nam.

Đình Khoa