Diễn đàn Chọn nhân sự - Lựa nhân tài:

"Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to"

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:21 - Chia sẻ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”; "dùng nhân tài cần phải hợp lý”. Như vậy, "chọn nhân sự, lựa nhân tài" là phải tùy tài mà dùng đúng tài, đúng năng lực, sở trường, đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ, dùng đúng tài năng thì thành công, dùng sai tài năng thì hỏng việc.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản 

Ngay trong lần khắc bia Tiến sĩ đầu tiên của khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ ba (1442) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất”.

Như vậy là từ xa xưa, cha ông ta đã chăm lo “việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất”, quan trọng nhất. Và đời nào cũng vậy, việc trồng người, chăm người, dùng người, nhất là hiền tài, là công việc có tính quyết định sự tồn vong, hưng suy, phát triển của dân tộc, của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, công việc trọng tâm, "gốc của gốc" là phải thu hút được “nguyên khí quốc gia”, thu hút được người hiền tài phục vụ dân, phục vụ nước.

Vậy làm thế nào để thu hút được "nguyên khí quốc gia"? 

Thứ nhất, phải xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài. Chiến lược phải có quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tiêu chí xác định nhân tài và đề ra nhiệm vụ, giải pháp khả thi để có được nhân tài thực sự cho đất nước, nhất là trong những ngành, những lĩnh vực trọng yếu, mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước và nhân dân tạo ra môi trường tốt nhất (về pháp lý, xã hội, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách…) nhằm bảo đảm phát hiện, nuôi dưỡng, đào tạo, bảo vệ, phát triển nhân tài cho đất nước. Trong đó vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hết sức quan trọng. Bởi vì, nhân tài có tính bẩm sinh chỉ chiếm khoảng 10 - 15%, còn “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Rất cần cơ chế phát hiện, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, đặc biệt chú trọng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài, để tạo nguồn cán bộ lâu dài.

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Vũ Văn Phúc  

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Thứ ba, nhân tài cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp với tài năng của họ, để họ khẳng định mình và tiếp tục rèn luyện phấn đấu, trưởng thành. Đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ, cần có cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy, ngang tầm khu vực và thế giới. Tập trung trọng dụng, ưu đãi để xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng trên các lĩnh vực.

Thứ tư, tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh xứng đáng những cống hiến của các nhân tài cho dân, cho nước. Có chính sách tạo điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài dựa trên hiệu quả công việc mà họ cống hiến cho đất nước.

Việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, tạo điều kiện thăng tiến trong công việc cho nhân tài phải dựa trên hiệu quả công việc chứ không dựa trên thâm niên hay tuổi tác.

Thứ năm, có chính sách thu hút và sử dụng hợp lý nhân tài cả trong và ngoài nước, thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam ở các nước trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Tạo lập môi trường làm việc dân chủ, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhằm tạo điều kiện để nhân tài phát huy trí tuệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, địa bàn trọng yếu.

Thứ bảy, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiến cử người có đức, có tài để đào tạo, bồi dưỡng và phải chịu trách nhiệm về việc tiến cử này. Có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực, có uy tín và phẩm chất tốt.

Thứ tám, xây dựng bộ tiêu chí xác định nhân tài và các tiêu chí cụ thể đánh giá công khai, minh bạch, khách quan hiệu quả công việc của nhân tài để có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Đánh giá kết quả công việc xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, so sánh với chức danh tương đương, so sánh ngang, so sánh dọc… Trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ, mới sử dụng đúng cán bộ, mới phát huy hết tài năng, đức độ của cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát huy hết năng lực, sở trường, cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chung… như Hồ Chí Minh căn dặn “dụng nhân như dụng mộc”.

Thứ chín, lãnh đạo, nghệ thuật thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu mà “lãnh đạo khéo”, tức lãnh đạo một cách khoa học và nghệ thuật thì có khả năng phát hiện nhân tài và trọng dụng được nhân tài, thậm chí còn có thể làm “tài nhỏ hóa tài to”. Tùy tài mà dùng đúng tài, đúng năng lực, sở trường, đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dùng nhân tài cần phải hợp lý”. Dùng đúng tài năng thì thành công, dùng sai tài năng thì hỏng việc. Người còn căn dặn: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”, “nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”.

Hoàng Ngọc ghi