Lãnh đạo giỏi sẽ tạo đột phá

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:05 - Chia sẻ
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cập nhật kinh tế khu vực Đông Á dự báo: Việt Nam tiếp tục phục hồi tăng trưởng tốt, ở mức 6,6% trong năm 2021.

Như vậy, cùng với Trung Quốc, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực phục hồi theo hình chữ V, các nước còn lại chỉ tăng trưởng dưới 5%.

Đáng chú ý, kịch bản phục hồi kinh tế của khu vực cũng được cho là sẽ khả quan, nhờ vào gói kích thích kinh tế lớn vừa được Mỹ thông qua có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới xuất hiện những tín hiệu thuận lợi hơn như vậy, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông chính là sự chuẩn bị tốt, góp phần tạo nền móng cho tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn lẫn sự phát triển dài hạn của đất nước ta.

Tuy nhiên, bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng luôn đối mặt với 2 câu hỏi khó: huy động nguồn lực từ đâu và làm sao bảo đảm tính hiệu quả đầu tư?

5 năm qua, trong bối cảnh đầu tư công có sự chững lại nhất định và các dự án hạ tầng trong nước gặp nhiều khó khăn, thì thành công của các tỉnh khu vực Đông Bắc, đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh, chỉ ra nhiều bài học thực tiễn có giá trị mà các địa phương khác có thể học hỏi.

Đơn cử trường hợp Hải Phòng, đầu tư vào hệ thống hạ tầng có những đột phá đáng ghi nhận. Theo báo cáo của địa phương, chỉ trong 5 năm, thành phố này xây dựng được 46 cây cầu với tổng chiều dài 23km, trong đó có cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện dài nhất Việt Nam. Bên cạnh các dự án lớn, địa phương đã huy động được 40.400 tỷ đồng để xây dựng hơn 5.000km đường thôn xóm và đường nội đồng, giúp 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

“Kế bên” Hải Phòng, một trường hợp thành công khác là Quảng Ninh. Sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng du lịch và dịch vụ đã đưa tỉnh này từ chỗ tăng trưởng đơn thuần dựa vào khai thác tài nguyên chuyển sang dựa vào du lịch, dịch vụ và các ngành có giá trị gia tăng cao.

Bài học thành công chung của Quảng Ninh và Hải Phòng là huy động được nguồn lực xã hội, nguồn lực từ đầu tư tư nhân góp sức cùng ngân sách chứ không trông chờ và dựa dẫm vào đầu tư công. Và đầu tư tư nhân tăng lại đến từ hệ quả là môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân được bảo đảm thông thoáng, an toàn và phục vụ tốt cho nhà đầu tư. Ba năm liên tiếp, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lẫn chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Trong bối cảnh khó khăn chung - ngân sách cho đầu tư công ngày càng eo hẹp, tại sao Quảng Ninh, Hải Phòng lại làm tốt, huy động được đầu tư tư nhân, còn những địa phương khác thì không? Câu trả lời phần lớn nằm ở năng lực lãnh đạo, ở hiệu quả của bộ máy chính quyền.

Khi lãnh đạo tâm huyết cho sự phát triển của địa phương; quyết liệt bám sát chỉ đạo và ưu tiên giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, của người dân thì thành công sẽ đến. Nguồn lực từ người dân, từ khu vực tư nhân ở mọi địa phương là đáng kể, nhưng khơi thông được nguồn lực đó phải có lãnh đạo thực sự tâm huyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Triển vọng sáng rõ hơn của kinh tế toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách cho đầu tư công ngày càng hạn hẹp, đối tác công - tư (PPP) để tạo đột phá về hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển phải được coi là ưu tiên. Và nhìn từ Quảng Ninh, Hải Phòng, công thức thành công thực ra đến từ tâm huyết, sự quyết liệt, tài năng của các lãnh đạo ở địa phương.

Cẩm Phô