Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2021)

Lặng thầm chiến sĩ dân quân tự vệ

- Thứ Tư, 22/12/2021, 10:02 - Chia sẻ
Trong những tháng ngày căng thẳng khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trên diện rộng tại các tỉnh phía Nam, đã có hàng nghìn chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia công tác chống dịch. Là lực lượng nắm rõ địa bàn, hiểu dân nhất, nên những chiến sĩ “sao vuông” đóng vai trò quan trọng, sát cánh cùng các lực lượng và địa phương trên trận tuyến không tiếng súng, nhất là ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.
	Dân quân tự vệ TP.Hồ Chí Minh tham gia vận chuyển lương thực - Nguồn: Zing
Dân quân tự vệ TP.Hồ Chí Minh tham gia vận chuyển lương thực
 Nguồn: Zing

Vai trò xung kích

Từ tuần tra biên giới đến phun khử khuẩn, từ đêm ngày phục vụ tại các khu cách ly hay chốt kiểm soát khắp mọi ngả đường, thôn xóm hay đường mòn, lối mở biên giới thực hiện chiến dịch “hai mũi giáp công” - sàng lọc và cách ly tại chỗ… những con người bình dị, thuận lành ấy có mặt ở tất cả điểm trọng yếu nhất, đảm nhận những nhiệm vụ không kém phần gian nan, nguy hiểm. Vai trò xung kích của các chiến sĩ “sao vuông” trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội được khẳng định, góp phần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch Covid-19, xứng đáng là điểm tựa của người dân.

Đối diện với dịch bệnh sớm nhất có lẽ là lực lượng dân quân tự vệ các tỉnh biên giới phía Bắc. Khi chúng tôi đến xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vào cuối tháng 2.2020, thời tiết chuyển rét sâu, cỏ lau rũ rượi trong mưa tuyết. Điểm chốt của Đồn Biên phòng Thanh Lòa nằm xa khuất sau rặng núi Bản Lòa dựng tạm bằng tre nứa và tăng bạt dã chiến mờ mịt trong hơi sương giá. Những chiến sĩ đồn biên phòng Thanh Lòa và dân quân tự vệ xã Thanh Lòa mặt đỏ ửng vì lạnh vừa kịp về chốt đón chúng tôi sau một ngày vất vả phát quang cây bụi, cỏ rậm khu vực đường biên, khai thông tầm nhìn biên giới.

Vất vả, hiểm nguy không quản ngại, nhưng áp lực lớn nhất đối với những chiến sĩ dân quân tự vệ chính là việc ngăn chặn, vận động người thân của mình lao động ở bên kia biên giới không xuất nhập cảnh trái phép để trốn cách ly. Các anh vừa tham gia tuần tra biên giới, canh trực tổ chốt để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, vừa nắm sát địa bàn, từng gia đình có người thân đang ở nước ngoài, nhất là những nơi có thể đi đường bộ về Việt Nam. Tranh thủ sau giờ trực, các anh lại đến từng gia đình để vận động họ liên lạc với người thân không nhập cảnh bất hợp pháp về nước và nếu có nhu cầu nhập cảnh, phải theo đường hợp pháp, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly tập trung.

Năm 2021, tuyến biên giới Tây Nam trở nên nóng bỏng khi tình hình dịch bệnh ở Campuchia bùng phát. Tuy không gặp khó khăn về địa hình, khí hậu như tuyến biên giới phía Bắc hay tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các tổ chốt đã được kiên cố hóa, song để đảm đương tốt nhiệm vụ giám sát toàn tuyến biên giới “nội bất xuất ngoại bất nhập” cũng không đơn giản. Thời gian nghỉ ngơi hạn chế, nước ngọt thiếu nghiêm trọng và thường xuyên gặp giông lốc, sét đánh… Những yếu tố ấy đã nhanh chóng được các anh vượt qua, thích ứng để phối hợp với các lực lượng thiết lập “hàng rào” hiệu quả ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh. Do thường xuyên được huấn luyện với cường độ cao, nên khi có tình huống, các “sao vuông” triển khai phối hợp không thua kém các đồng đội “sao xanh”.

Bền chí, vững lòng, vượt lên gian khó

Trong vùng dịch trọng điểm TP. Hồ Chí Minh, có lẽ ánh sáng lấp lánh của ngôi sao vuông và bóng áo những chiến sĩ dân quân tự vệ thành phố là một biểu tượng đẹp của đức hy sinh và sự nhẫn nại. Đôi vai của họ sần chai để hàng vạn tấn hàng đến được với người dân, với những nhiệm vụ nằm ngoài chuyên môn “quân sự”. Nước da họ xạm nắng để những chốt phòng dịch vững vàng đêm ngày qua nắng gió, mưa giông. Đôi mắt họ trũng sâu sau bao đêm không ngủ, gương mặt võ vàng sau những trận sốt, ho khi chống chọi với loại virus vô hình.

Dân quân tự vệ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tham gia kiểm soát tại các vùng phong tỏa
Dân quân tự vệ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tham gia kiểm soát tại các vùng phong tỏa

Tại Long An, kể từ đầu mùa dịch đến nay, hơn 62.800 lượt dân quân có mặt trên mặt trận chống dịch. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết anh em đều có người thân nhiễm bệnh và sức khỏe bản thân suy yếu sau những ngày dài lao lực, căng thẳng. Bền chí, vững lòng, vượt lên gian khó, những “sao vuông” trẻ của Long An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng vẻ vang. “Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là cống hiến hết sức lực để đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Điều đó đã được ghi nhận và tôi vô cùng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây sẽ là động lực để tôi và đồng đội cố gắng phấn đấu nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn” - chiến sĩ Khang Quỳnh Duy, dân quân xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ chia sẻ.

Thái Trung Kiên, Trung đội trưởng Trung đội dân quân thường trực, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, trong suốt ba tháng chống dịch căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh, luôn là đầu tàu gương mẫu, xốc vác, tận tụy dẫn dắt các đồng chí trong trung đội của mình hoàn thành nhiệm vụ. Người chiến sĩ “sao vuông” ấy đã được tổ chức Lễ kết nạp đảng viên giữa lúc chiến dịch vẫn chưa hạ nhiệt. 

Còn đó nỗi đau trước sự ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ của chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Hiếu thuộc Ban Chỉ huy quân sự phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, hay chiến sĩ dân quân Nguyễn Thành Đạt thuộc Ban Chỉ huy quân sự phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh... Nhưng điều tốt đẹp nhất đọng lại chính là nụ cười chất phác, đôn hậu và những cống hiến âm thầm, lặng lẽ của dân quân tự vệ trên khắp mọi miền đã dấn thân, hy sinh vì Tổ quốc, làm sáng đẹp thêm những người lính kiên trung của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Phạm Vân Anh