Lắng nghe, tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri

- Thứ Ba, 13/04/2021, 14:51 - Chia sẻ
Sáng 13.4, tại Đà Nẵng, các đại biểu tham dự hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thực hành một số kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên.

Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề Xã hội phối hợp với Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội thảo.

Tham dự có: Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội; đại biểu Quốc hội các khóa và các đại biểu nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 

Đại diện các tổ đã trình bày dự kiến chương trình hành động trong khoảng thời gian 7-10 phút, giới thiệu ngắn gọn về bản thân và gia đình; vị trí, chức danh chuyên môn của bản thân; thể hiện hiểu biết về trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Dự kiến chương trình hành động của ứng cử viên tập trung vào các chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; một số nét nổi bật về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, địa phương hoặc lĩnh vực chuyên môn của ứng cử viên; thể hiện hiểu biết về những vấn đề quan trọng mà cử tri cần quan tâm, mong muốn và đề xuất; đưa ra một số giải pháp và khả năng ứng cử viên có thể tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri; khả năng phản ánh trung thực nguyện vọng của cử tri, cũng như đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa góp ý vào nội dung và cách trình bày dự kiến chương trình hành động của các nữ ứng cử viên

Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã góp ý vào dự kiến chương trình hành động và cách trình bày của đại diện các tổ. Đồng thời, chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích nhằm giúp các nữ ứng cử viên tự tin hơn khi trình bày dự kiến chương trình hành động, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng lưu ý, sau khi trình bày chương trình hành động, các ứng cử viên sẽ phải trả lời các câu hỏi của cử tri. Ở bước này, có thể có những câu hỏi ứng cử viên không lường trước được và không chuẩn bị nên dễ lúng túng, rơi vào thế bị động. Các nữ ứng cử viên cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để trả lời những câu hỏi mà mình nắm rõ và chắc nhất. Khi trả lời những ý kiến không thuộc chuyên môn của mình, ứng cử viên cần ghi nhận, tiếp thu xử lý khi trở thành đại biểu dân cử. Các nữ ứng cử viên cần quan tâm tới việc lắng nghe, tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Đại diện các tổ thực hành kỹ năng trình bày dự kiến chương trình hành động

Tiếp đó, đại diện các tổ đã báo cáo kết quả thảo luận tổ về kỹ năng tiếp xúc với báo chí, công chúng và cử tri. Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia nhấn mạnh, tiếp xúc cử tri là hình thức vận động bầu cử hết sức quan trọng; vì vậy, các nữ ứng cử viên trước hết cần hiểu rõ quy định pháp luật về hình thức vận động này tại Điều 66 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND về hội nghị tiếp xúc cử tri. Các chuyên gia cho rằng, việc tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị, đề đạt từ phía cử tri để phản ánh lên các cơ quan chức năng bàn biện pháp giải quyết cũng hết sức quan trọng, nhưng vì chưa phải là đại biểu chính thức nên vấn đề này không phải là nhiệm vụ bắt buộc đối với ứng cử viên. Tuy vậy, ứng cử viên cần tỏ rõ quan điểm tiếp thu và có lời hứa sẽ thực hiện khi được cử tri bầu làm đại biểu chính thức.

Thanh Chi