Để chính sách đến dân sớm nhất

- Chủ Nhật, 05/09/2021, 15:00 - Chia sẻ
Tôi là lao động tự do, chồng làm bảo vệ giữ xe đã thất nhiệp ba tháng nay. Tiền trọ đã thiếu hai tháng, nhà còn có hai trẻ nhỏ. Tôi tìm tới tổ trưởng để đăng ký nhận tiền hỗ trợ cho lao động tự do từ tháng 7 cho đến nay vẫn chưa nhận được. Liên hệ phường thì trả lời chưa có văn bản hướng dẫn cho nhóm đối tượng này. Vậy bao giờ mới có hướng dẫn để nhóm đối tượng lao động tự do được nhận tiền trợ cấp? Đây là một trong rất nhiều câu hỏi mà người dân đặt ra đối với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh trong chương trình Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” vừa qua.
“Dân hỏi -Thành phố trả lời”: Khi chính quyền thay đổi phương thức vận hành
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan (ngồi giữa) giải đáp các thắc mắc của người dân tại Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời"Nguồn: vietnamnet.vn

Lý giải về việc chậm trễ thực hiện chính sách hỗ trợ này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, việc triển khai chậm là do do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tùy từng giai đoạn chống dịch mà thành phố áp dụng các biện pháp khác nhau: Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, đến 16 +, dẫn đến các đối tượng gặp khó khăn ngày càng nhiều lên và phải cập nhật, bổ sung thêm đối tượng để nhận hỗ trợ. Ngoài ra, trong quá trình triển khai từ chính sách đến thực hiện trên thực tế, các địa phương ban đầu chỉ lập và báo cáo danh sách sơ bộ, không phải danh sách chính thức nên khi các địa phương liên hệ tới nhân dân, đến công tác xét duyệt để có danh sách chính thức và chi tiền có sự chậm trễ. Tuy nhiên, ông Hoan cũng khẳng định, trước 6.9 sẽ hoàn tất danh sách 1,3 triệu hộ dân, tương đương 4,5 triệu người của gói hỗ trợ thứ hai sẽ được chăm lo, hỗ trợ.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát các đối tượng gặp khó khăn để hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Việc chốt thời gian lập danh sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid -19 của lãnh đạo thành phố rất quan trọng. Đây không chỉ là mốc để người dân biết được mình có thuộc đối tượng hỗ trợ hay không, mà còn là căn cứ để người dân giám sát việc thực hiện của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ nhân văn này.

Thực tế cho thấy, đã diễn ra không ít cuộc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp để đại diện chính quyền lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân thông qua việc tiếp công dân theo luật định. Là những lãnh đạo đến những điểm “nóng” liên quan đến vấn đề đất đai để đối thoại với người dân, hay thông qua những cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo… Rất nhiều ý kiến của cử tri, người dân được phản ánh qua những cuộc tiếp đối thoại, tiếp xúc này. Những ý kiến, kiến nghị của người dân được người có trách nhiệm tiếp thu, giải đáp tức thời, hoặc được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian có hạn của những buổi đối thoại, tiếp xúc trực tiếp này, nhiều ý kiến người dân chưa có cơ hội để phản ánh kịp thời đến người có thẩm quyền. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiếp xúc trực tiếp để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân sẽ bị hạn chế rất nhiều. Do đó, đã đến lúc cần đa dạng hóa hình thức đối thoại, tiếp xúc, tương tác để chính quyền lắng nghe nhiều hơn ý kiến phản ánh của người dân từ thực tiễn cuộc sống.

“Dân hỏi – Thành phố trả lời” là chương trình lần đầu tiên thể hiện tương tác trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với người dân mà không phải qua các báo cáo văn bản hay một cấp chính quyền địa phương nào. Nhiều câu hỏi của người dân về các vấn đề: an sinh xã hội, y tế, giáo dục đã được đặt ra tại chương trình, trong đó, nhiều vấn đề được giải đáp kịp thời.

Việc sử dụng sử dụng livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” trên nền tảng mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều này cho thấy, chính quyền rất “cởi mở”, sẵn sàng để đón nhận những ý kiến đóng góp của người dân, kéo gần khoảng cách, ranh giới giữa chính quyền và người dân. Những thông tin mang hơi thở cuộc sống này sẽ giúp chính quyền thành phố có cơ sở để điều chỉnh chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” là sự thay đổi tích cực, linh hoạt trong tương tác giữa chính quyền với người dân. Điều này sẽ giúp cho thông tin phản ánh và mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và người dân không bị ngắt quãng bởi đại dịch, giúp cho truyền thông chính sách trở nên gần gũi, thiết thực hơn. Qua đó, giúp chính quyền giải quyết kịp thời những điểm nghẽn về chính sách, thực thi chính sách nói chung; chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng.

TP. Hồ Chí Minh đã làm được, các tỉnh, thành phố khác thì sao?

Hà An