Sổ tay

Lắng nghe phản hồi

- Thứ Tư, 03/03/2021, 07:18 - Chia sẻ
Trong năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp ý 73 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 7 luật, 44 nghị định và 22 thông tư.

Trong 73 văn bản quy phạm pháp luật trên, VCCI đã đưa ra 386 ý kiến góp ý. Tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý của VCCI năm 2020 của các bộ, ngành là 54,92% (212/386 ý kiến). Tỷ lệ này tăng dần đều trong ba năm trở lại đây và đặc biệt, năm 2020 tỷ lệ này cao hơn hẳn so với hai năm trước (44,08% của năm 2019 và 42,51% của năm 2018). Đây là tín hiệu vui khi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhiều hơn, đồng thời cũng thể hiện tinh thần cầu thị của các nhà hoạch định chính sách.

Đánh giá mức độ tiếp thu xét theo cơ quan chủ trì soạn thảo, tương tự các năm trước, các góp ý của VCCI cho Bộ Tài chính vẫn có số lượng lớn nhất, do số lượng văn bản liên quan đến doanh nghiệp Bộ này soạn thảo mỗi năm cũng rất nhiều, đặc biệt với các văn bản giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tiếp đến là các góp ý cho các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến các dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết…

Trong các văn bản được góp ý, số lượng các ý kiến liên quan đến tính hợp lý có tỷ lệ cao nhất, chiếm tỷ lệ 64% tổng số ý kiến, tiếp theo sau là các góp ý về tính minh bạch và tính thống nhất. Tương tự như các năm, trong các góp ý của VCCI, các kiến nghị liên quan đến tính hợp lý luôn chiếm số lượng lớn. Điều này cho thấy, dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, tại thời điểm xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh vẫn còn khá nhiều điểm chưa hợp lý, khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Điều 20.2.b Dự thảo Nghị định về thủ tục hải quan với hàng thương mại điện tử đã đưa ra Phụ lục II về các trường hợp miễn kiểm tra hàng hóa trên 1 triệu đồng theo đề nghị của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý chuyên ngành thường không có động lực để chủ động đề xuất đưa hàng hóa do mình quản lý vào diện miễn kiểm tra. Hơn nữa, cả cơ quan hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành hiện cũng không có cơ sở, căn cứ để đề xuất mức hàng hóa nào sẽ được miễn. Trong khi đó, bản chất của việc miễn kiểm tra hàng hóa giao dịch thương mại điện tử là do giá trị của hàng nhỏ so với chi phí kiểm tra.

Nếu như tính hợp lý chiếm tỷ lệ cao thì tỷ lệ các góp ý liên quan đến tính minh bạch có xu hướng giảm, và đặc biệt đã giảm mạnh trong năm 2020 (từ mức 28,6% của năm 2018 và 27,2% của năm 2019 xuống 20,9%). Đây là điều đáng tiếc khi các ý kiến thuộc tiêu chí này thường làm rõ lại các quy định, thủ tục, trình tự, thời hạn, nhằm tránh nguy cơ nhũng nhiễu từ phía cơ quan thực thi do có “điểm mờ” trong quy định.

Liên quan đến các ý kiến không được góp ý, qua rà soát của VCCI cho thấy, một số nhóm đề xuất thường không được cơ quan soạn thảo tiếp thu là: Loại bỏ các thủ tục gây phiền phức, khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện liên thông thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước; loại bỏ các quy định can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý. Từ thực tế góp ý của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn không ít bộ, ngành muốn giữ lại "quyền lợi" thông qua việc ban hành thêm thủ tục, hoặc can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bằng tên gọi "quản lý".  

Phạm Hải