Lan tỏa tinh thần tranh tứ bình

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:33 - Chia sẻ
Khai mạc ngày 19.1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Sắc xuân” với 20 bộ tranh tứ bình sắc màu rực rỡ, mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, như lời chúc bình an, hạnh phúc gửi đến mọi người, mọi nhà nhân dịp Xuân mới.

Tiếp nối thú chơi xưa

“Từ xa xưa, cứ đến giáp Tết, nhất là sau ngày cúng ông Công, ông Táo về trời, người dân Việt lại trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Không hẳn chỉ là câu chuyện làm đẹp về mặt hình thức, việc làm này có ý nghĩa giáo dục truyền thống, tiếp nối hiện tại và tương lai”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn chia sẻ tại Lễ khai mạc Triển lãm “Sắc xuân”.

Bộ Ngư tiều canh độc - tranh Hàng Trống

Tranh tứ bình là dòng tranh dân gian được sản xuất bởi làng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh làng Sình, gồm 4 bức với nhiều loại, thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau. Tranh tứ bình ẩn dụ cho bốn mùa trong năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện, bốn vẻ đẹp khác nhau của các cô gái, các câu chuyện lịch sử, thiên nhiên, cây cối, chim muông, cảnh vật…

Mỗi bức tranh tứ bình được xem như một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, hài hòa, tươi mát và trữ tình. Qua các bộ tranh, hậu thế có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Thời gian ở đây không phân định theo tuyến tính mà có tính luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt và tiếp nối nhau tạo nên sự đa dạng của sự sống. Điều đó thể hiện giá trị của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời thấy được tài nghệ của nghệ nhân xưa.

Theo bà Vương Lê Mỹ Học, Phó Trưởng phòng Trưng bày - Giáo dục, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bộ tranh tứ bình tại triển lãm giúp người xem tiếp cận khái niệm và tìm hiểu rõ hơn thú chơi tranh xưa. “Thú chơi tranh ngày nay có sự tiếp nối các dòng tranh cổ xưa, như dòng tranh chủ đề tứ quý (bốn mùa), tố nữ, tứ quý bát tiên, tứ dân (ngư, tiều, canh, mục), hoặc tranh được trình bày theo thể liên hoàn rút từ các truyện tích như Nhị độ mai, Thạch Sanh, Truyện Kiều… Triển lãm phản ánh cách thức truyền bá câu chuyện văn hóa, lịch sử của các thế hệ trước, với hy vọng lan tỏa tình yêu nghệ thuật, nét đẹp của thú chơi tranh, công phu, tao nhã và phù hợp với cuộc sống hiện nay”.

Thêm sức sống mới

Theo các nhà nghiên cứu, trong các loại tranh chơi Tết của vùng châu thổ Bắc Bộ, tranh dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ XVI và phát triển cho đến nửa đầu thế kỉ XX sau đó suy tàn dần. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội người Việt, từ phong tục, tập quán đến sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay, tranh Đông Hồ nói chung, dòng tranh tứ bình nói riêng gặp nhiều khó khăn do bối cảnh xã hội thay đổi, nhu cầu, thị hiếu người dân cũng thay đổi theo.

Tranh Đông Hồ thời kỳ đầu phổ biến với tranh khổ nhỏ và in hoàn toàn. Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các họa sĩ bắt tay vào sáng tác tranh dòng tranh đơn giản hơn về kỹ thuật và nội dung, phổ cập với nhiều người với các bộ Tố nữ tân thời, bộ tranh truyện, tứ quý, cá chép… Các bộ tranh được ưa chuộng trước đây như tranh có đề chữ Hán, chữ Nôm trở nên khó tiếp cận công chúng. Nội dung tranh tứ bình trước thường theo các tích truyện, suy nghĩ của đạo Nho, của văn hóa Trung Quốc như tùng, cúc, trúc, mai. Sau này, tranh tứ bình phát triển và tiếp nối với chủ đề các loài hoa, loài chim, con vật mang tính thuần Việt hơn như hoa đào, hoa mai, quả vải, quả na… 

Trong bối cảnh dòng tranh này ngày càng ít phổ biến, nghệ nhân làm tranh hiện còn khá ít, thị hiếu của người dân không còn như xưa, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần cố gắng mang tinh thần của dòng tranh này đến xã hội đương đại, làm cho nó thêm sức sống mới. “Tứ bình nói riêng và tranh Đông Hồ nói chung là dòng tranh dân gian có giá trị, ý nghĩa, vì vậy mỗi người dân Việt Nam cần hiểu được các giá trị đó để gìn giữ văn hóa dân tộc. Năm 2021, Hồ sơ quốc gia Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UNESCO đề nghị đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hy vọng trong một vài năm tới, chúng ta có cơ hội phục hồi thú chơi tranh, phục hồi giá trị dòng tranh tứ bình nói riêng, tranh dân gian truyền thống nói chung".

Cũng theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, cần chú trọng các giải pháp để người dân nhận thức đúng, đầy đủ hơn về giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian nói chung, tứ bình nói riêng. Khi chúng ta chưa hiểu hết vẻ đẹp, giá trị tiềm ẩn sẽ không thể nuôi dưỡng tình yêu đối với dòng tranh này. Đồng thời, đa dạng chủ đề, màu sắc khi sáng tác tranh tứ bình, thể hiện trên các chất liệu khác nhau. Tất nhiên, vẫn cần bảo tồn truyền thống nhưng phải có sáng tạo, đặc biệt để phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Bởi khi thế hệ trẻ nhận thấy phù hợp, họ sẽ quan tâm hơn, yêu hơn, và sáng tạo dòng tranh này, từ đó góp phần lan tỏa, khiến công chúng quay lại tìm hiểu truyền thống, tìm hiểu tranh tứ bình.

Hương Sen