Lan tỏa khát vọng tự do

- Thứ Tư, 02/09/2020, 08:11 - Chia sẻ
Văn phong ngắn ngọn, ngôn từ mộc mạc, dễ hiểu và có sức lay động mạnh mẽ, truyền đơn đã được sử dụng vô cùng hiệu quả trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1945. Những mảnh giấy nhỏ bé được tung lên khắp nơi đã lan tỏa, thổi bùng khát vọng, ý chí giành độc lập, tự do trong mọi tầng lớp nhân dân, tập hợp quần chúng thành khối sức mạnh đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử.
Truyền đơn của tổ chức Việt Nam công giáo kháng Nhật Cứu quốc hội (trong Mặt trận Việt Minh) kêu gọi đồng bào công giáo tham gia đánh Nhật cứu nước.

Ảnh: BTLSQG

Vẹn nguyên khí thế cách mạng

“Hỡi đồng bào toàn quốc. Giờ giải phóng của chúng ta đã đến”;

“Toàn thể đồng bào hãy quyết tâm nhất trí đánh tan mọi sự khó khăn, giành lấy tự do độc lập. Toàn dân đoàn kết muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”;

“Hỡi anh em binh lính! Người Việt Nam không hại người Việt Nam! Người Việt Nam phải cứu nước Việt Nam”;

“Đừng do dự nữa! Tổ quốc đang chờ đợi và kêu gọi lòng yêu nước của các người”...

Những lời kêu gọi đầy truyền cảm, như giục giã nhân dân cùng hợp lực chiến đấu giành lại độc lập, tự do vẫn được lưu giữ trên các trang giấy đã nhuốm màu thời gian. Nhiều dấu mốc lịch sử và khí thế hừng hực đấu tranh của những ngày tháng lịch sử vẫn vẹn nguyên ở đó, dù Cách mạng tháng Tám đã lùi xa 75 năm.

Khó có thể thống kê hết truyền đơn ra đời thời kỳ trước và trong Cách mạng tháng Tám. Hàng trăm tờ truyền đơn trong số đó được lưu giữ tới ngày nay phần nào thể hiện nội dung và hình thức vô cùng phong phú, đa dạng và chứa đựng nhiều giá trị độc đáo. Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: “Theo số liệu thống kế bước đầu, Bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản khoảng 150 loại truyền đơn cách mạng trước tháng 9.1945. Tờ truyền đơn lưu hành sớm nhất là “Quốc tế lao động nông hội kính cáo” in lời kêu gọi của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản tại Moscow ngày 27.2.1924, giải thích sự khác nhau giữa Quốc tế II và Quốc tế III và truyền đơn cuối cùng được sưu tầm trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền có nội dung giới thiệu lá quốc kỳ mới có nền đỏ sao vàng…”.

Truyền đơn “Kính cáo đồng bào” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ngày 6.6.1941

Ảnh: Ng. Phương

Tập hợp lực lượng dưới lá cờ đỏ sao vàng

Có thể thấy, từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức xây dựng lực lượng, đoàn kết toàn dân thông qua việc tuyên truyền, vận động cách mạng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử ở từng giai đoạn. Trong giai đoạn 15 năm trước cách mạng tháng Tám thành công (1930 - 1945), cùng với báo chí bí mật, truyền đơn cách mạng giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng theo Đảng, đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến tay sai. Đây được coi là hình thức đấu tranh cách mạng phù hợp đặc điểm xã hội thời bấy giờ, không đòi hỏi tốn kém lực lượng, lại tiếp cận động viên, cổ vũ, tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Bởi sức mạnh ấy, chính quyền thực dân luôn lo sợ, tìm mọi cách ngăn chặn truyền đơn cách mạng. Để in và phát tán các truyền đơn, chiến sĩ cách mạng phải vượt qua vô vàn khó khăn, hiểm nguy, có người phải đánh đổi bằng những năm tháng tù đày, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Ông Lê Ðức Vân, Trưởng ban Liên lạc Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu cho biết: Thời kỳ tiền khởi nghĩa, ngoài in và phát hành Báo Hồn nước - tiếng nói của nam, nữ thanh niên Thành Hoàng Diệu, nhóm còn in thêm truyền đơn, áp phích khổ nhỏ. Kỹ thuật in thô sơ, mỗi bản in được vài chục đến vài trăm tờ. Do sự săn lùng gắt gao của thực dân Pháp nên việc in truyền đơn phải bảo đảm tuyệt đối bí mật.

Rải truyền đơn cũng không hề dễ dàng, bởi thường nhóm phải chọn địa điểm đông người như chợ, tàu điện, rạp hát, trường học… Để tránh sự theo dõi của địch, các chiến sĩ phải chọn địa điểm, lên phương án phối hợp canh phòng để rải truyền đơn bảo đảm bất ngờ, mau lẹ và rút lui trước khi mật thám xuất hiện. Với những cách làm sáng tạo và táo bạo ấy, truyền đơn có lúc được rải trắng phố, thu hút sự chú ý của quần chúng nhân dân, tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh ủng hộ cách mạng.

Sưu tập truyền đơn trước Cách mạng tháng Tám đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ảnh: Ng. Phương 

Thổi bùng khát khao giành độc lập dân tộc

Những tờ giấy nhỏ bé được lưu giữ tới ngày nay đã phản ánh khá đầy đủ các giai đoạn, sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản, từ những tổ chức tiền thân đến quá trình vận động và thành lập Đảng, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), thời kỳ phục hồi và phát triển cách mạng (1932 - 1935), cao trào dân chủ (1936 - 1939) cho đến thời kỳ tiền khởi nghĩa tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Nội dung của các truyền đơn thay đổi theo sự phát triển của tiến trình cách mạng, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau: Quốc dân đồng bào, đồng bào Công giáo, anh em quản đội cai lính Việt Nam...

“Đã nói tới truyền đơn là nội dung ngắn gọn, tạo ra cảm xúc mạnh mẽ để mọi người hành động. Nên có thể nói viết truyền đơn cũng là nghệ thuật, từ nội dung lẫn cách trình bày. Chúng tôi đã được tiếp cận với những nhà hoạt động cách mạng, họ nói rằng, lúc đó các Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết có thể rất dài dòng, nhưng làm sao có thể cô đọng được trong những dòng chữ rất ngắn, mà mọi người đều có thể hiểu và làm theo được” - nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Trên những tờ truyền đơn được in thạch, in li tô trên giấy nến hoặc chép tay là các dòng chữ có sức mạnh truyền cảm lớn lao. Có tờ truyền đơn dài cả trang chữ mang những lời tâm tình, vận động, thuyết phục đanh thép, nhưng cũng có tờ truyền đơn chỉ gồm vài dòng với vài chục chữ, cô đọng, súc tích như hồi kèn thúc giục mọi người cùng đứng lên chiến đấu.

Như trong bản truyền đơn “Kính cáo đồng bào”, thể hiện lời kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi Nhật - Pháp, ngày 6.6.1941, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng quyết không chịu làm vong quốc nô lệ mãi. Bảy tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền độc lập tự do. Tấm gương oanh liệt của các bậc lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Tinh thần anh dũng của các bậc liệt sĩ ở Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An hãy còn đây. Những cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương vừa rồi đã chứng tỏ rằng: Đồng bào ta quyết nối gót người xưa phấn đấu hy sinh đặng phá tan xiềng xích… Nay cơ hội giải phóng đến rồi…”. Lời hiệu triệu của Bác như chạm tới trái tim của những người con đất Việt, thổi bùng ngọn lửa khát khao giành độc lập dân tộc của toàn thể quốc dân.

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Truyền đơn phần lớn được làm trong thời kỳ đất nước còn đang là thuộc địa của phát xít Nhật, đế quốc Pháp, những người hoạt động cách mạng trong bí mật chịu đựng rất nhiều sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thực dân. Truyền đơn, nhìn chỉ là những tờ giấy với các dòng chữ, nhưng đằng sau đó là cả sự công phu và dũng cảm hy sinh mới có được. Hình ảnh truyền đơn được tung ra, người dân tiếp cận với nó, thực sự là cách mà chúng ta tổ chức lực lượng, truyền bá tư tưởng, thống nhất hành động, và những điều đó góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám.

Ngọc Phương