Lan tỏa giá trị di sản mỹ thuật

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:13 - Chia sẻ
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS. NGUYỄN ANH MINH, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản mỹ thuật, một trong những mục tiêu Bảo tàng hướng đến trong hơn nửa thế kỷ qua là giúp thế hệ trẻ trải nghiệm và sáng tạo, xây dựng những không gian giáo dục gắn kết bảo tàng với học đường.

- 55 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước (24.6.1966 - 24.6.2021), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm tốt vai trò bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và mỹ thuật nước nhà. Gần đây, hoạt động giáo dục trải nghiệm được Bảo tàng chú trọng. Phải chăng, đây là cách giúp Bảo tàng tiếp cận đối tượng khách tham quan tiềm năng trong tương lai? 

- Nhu cầu tham quan bảo tàng của công chúng luôn vận động cùng sự phát triển của xã hội. Công chúng, nhất là thế hệ trẻ, giờ không dừng lại ở việc thụ động nghe hướng dẫn theo tuyến tham quan cố định, mà mở rộng và đòi hỏi chất lượng cao hơn, mong muốn trải nghiệm thực tế, cảm nhận qua các hoạt động tương tác, khám phá và chủ động thu nhận kiến thức. Nắm bắt nhu cầu này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn xác định làm tốt vai trò kết nối công chúng với hiện vật, thực hiện chức năng giáo dục và phổ biến tri thức về lịch sử mỹ thuật.

Năm 2011, Không gian sáng tạo cho trẻ em đã được xây dựng với các nội dung khám phá mỹ thuật dân gian, đương đại, mỹ thuật trong nước và quốc tế. Song song với đó, Bảo tàng xây dựng các hoạt động giáo dục trải nghiệm theo chuyên đề dưới nhiều hình thức, như “Tuần lễ học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công” (2011), gồm triển lãm “Niềm vui học tập” và các hoạt động nặn tượng, ghép hình, tô màu, vẽ tranh tập thể, in tranh, trang trí đồ dùng học tập. “Thế giới qua lăng kính trẻ thơ” (2012) xây dựng thêm 3 nội dung trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật: Vẽ tranh tập thể, sắp đặt mô hình và xé dán sáng tạo theo tác phẩm của Bảo tàng, giúp tăng tính hấp dẫn và khuyến khích chia sẻ tư duy sáng tạo trong hoạt động tập thể cho học sinh…

Các hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng đến mục tiêu kết nối Bảo tàng với tuổi trẻ học đường
Các hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng đến mục tiêu kết nối Bảo tàng với tuổi trẻ học đường

Cũng nhằm tạo sự khăng khít với học đường, hàng năm Bảo tàng tổ chức các sự kiện chào mừng Tết Trung thu và Tết Thiếu nhi để hình thành đối tượng khách tham quan tiềm năng trong tương lai. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm của Bảo tàng với công tác đào tạo, giáo dục thẩm mỹ và nhân cách cho thế hệ trẻ.

- Bảo tàng đã kết nối với các cơ sở giáo dục ra sao để có được lượng khách thường xuyên và liên tục, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị di sản mỹ thuật?

- Khảo sát cho thấy, nhu cầu tham quan, trải nghiệm mỹ thuật ngày càng được yêu thích, thậm chí nhiều nơi đặt vấn đề để có thể tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm mỹ thuật ở bên ngoài Bảo tàng. Nắm bắt nhu cầu ấy, chúng tôi đã thực hiện các hoạt động lưu động tại một số địa điểm như Trường trẻ em khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu, Trường phổ thông cấp 2 - 3 Nguyễn Tất Thành, Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Thư viện Quốc gia Việt Nam, các triển lãm lưu động tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Phú Yên… Những sự kiện này nhận được sự hoan nghênh, yêu thích của không chỉ các bạn nhỏ mà cả giáo viên và phụ huynh.

- Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản mỹ thuật, nhất là đến với công chúng trẻ, sẽ được Bảo tàng tiếp tục triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phấn đấu trở thành điểm tham quan, giúp công chúng có cái nhìn đa chiều về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; là địa điểm hấp dẫn của các công ty lữ hành và khách du lịch góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực xây dựng nơi đây là địa chỉ tin cậy cho giới nghiên cứu mỹ thuật, học sinh, sinh viên đến khai thác, học tập; tiếp sức và tạo động lực cho các nghệ sĩ tạo hình sáng tạo, nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Để các mục tiêu này trở thành hiện thực, một số nhiệm vụ trọng tâm được Bảo tàng xác định. Đó là tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn; ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, giáo dục, quản lý sưu tập hiện vật và phát huy các giá trị của các tư liệu, hiện vật. Đổi mới, nâng cấp, chỉnh lý nội dung trưng bày; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, các chương trình nghiên cứu chuyên sâu dành cho công chúng và hướng dẫn viên tương lai.

Một trong những vấn đề được Bảo tàng ưu tiên hàng đầu là tiếp tục phát triển kế hoạch liên kết với các trường đại học, cao đẳng (nghệ thuật, du lịch, kiến trúc) nhằm tăng lượng khách trong nước, hình thành và phát triển đối tượng khách tham quan tiềm năng yêu thích Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, Bảo tàng cũng tiếp tục hợp tác với ba bảo tàng mỹ thuật trong nước nhằm tạo thêm mối liên kết, phối hợp hoạt động cho riêng khối bảo tàng mỹ thuật, góp phần đẩy mạnh các hoạt động nhóm nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút khách tham quan cho từng bảo tàng. Cùng với đó, Bảo tàng cũng kết nối với các bảo tàng nghệ thuật quốc tế, giới thiệu mỹ thuật Việt Nam và ngược lại.

- Xin cảm ơn ông!

"Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Bảo tàng Hoàng gia Mariemont (Vương quốc Bỉ), chúng tôi đã xây dựng 9 chương trình thử nghiệm dành cho học sinh Tiểu học, THCS và THPT; và 3 chương trình dành cho nhóm gia đình trên cơ sở khai thác hiện vật từ các bộ sưu tập. Nhằm mở rộng đối tượng tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm, Bảo tàng cũng phối hợp với các trường đại học, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền thử nghiệm tổ chức sự kiện ReACT hướng tới đối tượng sinh viên sử dụng đồ vật tái chế, khuyến khích sáng tạo, thu hút nhiều hơn giới trẻ đến bảo tàng…".

TS. NGUYỄN ANH MINH

 

Hương Sen thực hiện