Làn sóng Covid-19 thứ 3 chặn đà phục hồi thị trường lao động

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:30 - Chia sẻ
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình lao động, việc làm quý I, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần ba đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường lao động việc làm. Trong quý I, cả nước vẫn có 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Điểm sáng đáng lưu ý nhất là thu nhập của người lao động tăng nhẹ so với quý trước và cùng kỳ năm 2020.

9,1 triệu người bị mất việc, giãn việc 

Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam cho biết, trong quý I, thị trường lao động đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19, làm suy giảm đà phục hồi đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020.

Nguồn: ITN

Cụ thể, cả nước có 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 tuổi chiếm gần 2/3. Có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo bị giảm thu nhập. Trong đó, lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6%, con số này ở nông thôn là 10,4%.

Xét theo 3 khu vực, lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 20,4%. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Ít chịu tác động nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động.

Cũng theo ông Nam, xu thế số lượng lao động của năm sau tăng so với cùng kỳ năm trước đã không còn là điều hiển nhiên. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 do tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi".

Đặc biệt, riêng với thanh niên, tỷ lệ không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng 0,9 điểm phần trăm (51.600 người) lên mức 16,3% (gần 2 triệu thanh niên). 

Ông Nam cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng. Việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019) chiếm khoảng 4%. Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên, quý I.2020 là 4,8%; quý II.2020 là 6%. Khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 4,4% vào quý IV.2020 và tăng lên 4,9% vào quý I.2021.

Năm 2021, dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Tổng cục Thống kê đã tổ chức thu thập và tính toán các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm áp dụng Khung khái niệm mới đã được các quốc gia thống nhất sử dụng năm 2013 với tên gọi chung là tiêu chuẩn ICLS 19 được ban hành để thay thế tiêu chuẩn ICLS 13, năm 1982.

Theo tiêu chuẩn mới ICLS 19, những người làm việc với mục đích sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là những người có việc làm như quy định trước đây của tiêu chuẩn ICLS 13. Tiêu chuẩn ICLS 19 được khuyến nghị sử dụng chung trên toàn thế giới với mục tiêu bảo đảm tính so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau của tất cả các quốc gia. 

 

Thu nhập người lao động tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339.000 đồng so với quý trước và tăng 106.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng). Thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị (7,9 triệu đồng) cao hơn 1,5 lần lao động nông thôn (5,4 triệu đồng).

Theo ông Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả 3 khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản là 3,6 triệu đồng, tăng 181.000 đồng so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 112.000 đồng; khu vực dịch vụ là 7,5 triệu đồng, tăng 55.000 đồng.

Tuy vậy, vẫn có một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, khiến thu nhập của lao động trong ngành đó sụt giảm, bao gồm các ngành nghệ thuật, vui chơi giải trí, giảm 5,2% (359.000 đồng); vận tải kho bãi giảm 2,7% (234.000 đồng).

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động việc làm, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp "hộ chiếu vaccnie", xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế nhằm giúp ngành dịch vụ, du lịch không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển.

Bên cạnh đó, cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút 3,5 triệu lao động sản xuất nông nghiệp theo dạng tự sản tự tiêu tham gia thị trường lao động để nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống của người lao động.

Tuệ Anh