Lan “đột biến” đến bao giờ?

- Thứ Năm, 01/04/2021, 12:42 - Chia sẻ
Lan đột biến thông qua giao dịch ảo với giá trên trời sôi động một dạo tưởng chừng lắng xuống và tiêu tan cùng câu chuyện phiếm bị vạch trần không ngờ lại bùng phát vào dịp tháng 3 vừa qua với những chiêu trò thổi giá của giới kinh doanh loại lan này.

Mới đây, ngày 12.3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam. Tiếp đó, ngày 15.3, cộng đồng những người chơi lan đột biến lại xôn xao trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Người chơi lan không rõ giá trị thật của các loại lan được gọi tên mĩ miều với mức “khủng bố” hay chỉ là chiêu trò bày đặt để tạo lập mức giá ảo, thị trường “đột biến ảo” của kẻ “kinh doanh đen” thu hút người quan tâm. Và lại càng chưa rõ người mua là ai? Đã xuống tiền bao nhiêu? Bằng cách gì? Và ai đánh giá được giá trị thực của loài lan này hay theo kiểu tin đồn của một vài cá nhân trên mạng xã hội.

Dòng lan đột biến quý hiếm đang gây sốt.
Dòng lan đột biến quý hiếm đang gây sốt. (Ảnh nguồn: vietnamnet.vn)

Những thông tin giao dịch bất thường như vậy không đơn giản là quảng bá, lôi kéo người chơi, người mua mà còn là là vấn đề trật tự xã hội, an toàn thông tin mạng và quản lý thuế. Hiện tượng này lặp đi lặp lại là một nguy cơ đòi hỏi cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, xử lý rốt ráo. Trước hết, cần sớm có sự vào cuộc của cơ quan công an, chống buôn lậu, gian lận thương mại điều tra xác minh những giao dịch như vậy. Điều này không khó khi thông tin công khai, tràn lan trên mạng xã hội có địa chỉ rõ ràng. Cơ quan công an cần thiết vào cuộc sớm ngăn chặn thông tin mạng có tính chất “mồi nhử” lừa đảo sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường khi người mua bán tin, bán nghi chạy theo giá trị ảo, lợi nhuận ảo nhập cuộc chơi và dễ dẫn đến tình trạng “vỡ mộng”, nợ dây chuyền, tranh chấp  phát sinh từ hoạt động “giao dịch đen”, gây mất trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế không thể đứng ngoài cuộc nếu có các giao dịch lan đột biến thực sự. Trước tình trạng này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố căn cứ quy định pháp luật thuế và pháp luật có liên quan thực hiện công tác quản lý thuế. Muốn thực thi pháp luật thì phải nắm bắt tình hình về các giao dịch mua bán lan đột biến và phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế. Trên cơ sở đó thu thuế theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, nếu lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Nếu lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 5%. Nếu lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo tỉ lệ 1% trên doanh thu. Nếu tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến thì thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi tại Khoản 2, Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế) thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất thuế giá trị gia tăng 1% và thuế thu nhập cá nhân 0,5%...

Như vậy, các quy định pháp luật về quản lý thuế cũng đã lường hết các trường hợp. Ngành Thuế cần vào cuộc sớm đấu tranh với “hàng giả”, chiêu trò thổi giá. Điều này sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý nếu có dấu hiệu lừa đảo có tổ chức. Cùng với đó cũng phải nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội ngành nghề, các câu lạc bộ người chơi lan chân chính… rất cần lên tiếng kịp thời về chất lượng, tiêu chuẩn, giá trị thực của hàng “đột biến” mà người dân không thể biết  được. Ở một khía cạnh khác, cần nâng cao khả năng quản lý thông tin mạng về lĩnh vực kinh tế có tính chất chuyên ngành, liên ngành; đấu tranh kịp thời thông tin giả, xấu độc… nhằm trục lợi cá nhân; gây tác hại đến đời sống sinh hoạt xã hội.

Thanh Hà