Xây dựng văn hóa học đường

Làm thực chất, không theo phong trào

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:59 - Chia sẻ
Phát triển văn hóa học đường sẽ tích cực góp phần phát triển văn hóa Việt Nam, chấn hưng nền giáo dục quốc dân, đào tạo ra những thế hệ con người Việt Nam vừa có đức, vừa có tài, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ngành giáo dục không thể không nghĩ đến xây dựng văn hóa học đường, tuy nhiên đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của giáo dục.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo từ mọi cấp học, mọi miền Tổ quốc, và cả các em học sinh, bàn thảo về các nội dung liên quan đến xây dựng văn hóa học đường. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 theo hình thức trực tuyến

Cân bằng giá trị truyền thống và hiện đại

“Nhìn vào một nền văn hóa, nên quan sát ở đâu trước? Chắc chắn là quan sát ở trong nhà trường. Cứ nhìn vào nhà trường là có thể nhận diện ra được tốc độ phát triển, bước đi, khát vọng của một dân tộc” - PGS. TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa học đường, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, biểu hiện của văn hóa học đường ở một số nơi, một bộ phận chủ thể trong môi trường giáo dục đã bị lệch chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Cần xây dựng văn hóa học đường với sự tham gia của nhà quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên, các chủ thể lao động trong nhà trường, và học sinh, sinh viên. Trường học thân thiện, môi trường nhân văn sẽ tạo giá trị của văn hóa học đường. 

PGS. TS. Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: “Thầy giáo mẫu mực thì học trò sẽ noi theo, học trò phải là gương mặt của thầy giáo. Văn hóa học đường có thể bàn đến nhiều chuyện, nhưng kiến thức phải là sự hấp dẫn với người dạy và người học, thầy dạy không biết chán và trò học không biết mệt... Chúng ta cần khuyến khích người thầy sáng tạo trong quá trình lên lớp, từ soạn bài đến thiết kế giờ dạy thực sự hiệu quả với học trò". 

Trong khi đó, theo GS. TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói về văn hóa học đường các ý kiến không thống nhất về cách tiếp cận, về giải pháp. Đây là thực tế vì quan niệm phát triển văn hóa, giáo dục đa dạng. Mỗi lý thuyết, trường phái đều có thế mạnh. Có nhiều ý kiến nhấn mạnh hơn đến yếu tố hiện đại, có ý kiến lại cho rằng cần duy trì giá trị truyền thống. Việc xây dựng văn hóa học đường phải hài hòa cả yếu tố truyền thống và hiện đại, sáng tạo và tuân thủ giá trị chuẩn mực, để giữ bản sắc người Việt Nam...

Phối hợp, phân định rõ trách nhiệm 

“Những gì đang diễn ra ở trường học hôm nay chính là tương lai của xã hội ngày mai. Có vấn đề cần đặt ra là hầu hết nhà trường, thầy cô đều dạy cho học sinh điều hay lẽ phải, nhưng hành động của các cháu có lúc lại khác với những điều được học trong nhà trường. Nên nếu chỉ nhà trường giáo dục cho trẻ, thì kết quả không đến đâu" - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nhận định.

Ông Minh cho rằng, “điều cốt tử là khi kinh tế, văn hóa... đã thay đổi, chúng ta chưa định chuẩn nên hành vi lệch chuẩn là điều chắc chắn phải đối diện. Khi phát triển về kinh tế thị trường, tác động lên xã hội, giáo dục như thế nào, chúng ta chưa đưa ra được các giả định. Chúng ta nói tới tác động của không gian mạng, nhưng chưa định chuẩn ứng xử trên không gian mạng như thế nào, nên lệch chuẩn là điều dễ xảy ra...”. Có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, theo GS. TS. Nguyễn Văn Minh, nhà trường là nơi cần định chuẩn nhất, nhưng “cần có sự vào cuộc của gia đình, xã hội một cách thực chất nhất, chúng ta không làm phong trào”.

Môi trường văn hóa có tác động qua lại, tương hỗ với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Vì thế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy kiến nghị, "cần huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, từ ngành giáo dục, ngành văn hóa, tới cả doanh nghiệp, sự hỗ trợ của gia đình học sinh - sinh viên và đặc biệt là chính người học”. Còn GS. TS. Nguyễn Quý Thanh lưu ý, xây dựng văn hóa học đường cần chú trọng yếu tố bên trong và ngoài nhà trường và các môi trường trung gian; quan tâm tới các chủ thể vĩ mô - các cơ quan ban hành chính sách, chủ thể chuyển tiếp - các nhà quản lý, hiệu trưởng và chủ thể vi mô như giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong trường học, học sinh. Phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong xây dựng văn hóa học đường. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, văn hóa học đường cần tiếp tục được xem như mục tiêu phấn đấu lâu dài của mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo. “Văn hóa học đường là câu chuyện của ngày hôm nay, và ai cũng có vai trò lớn. Chúng ta nói đến nhiều về thầy cô giáo noi gương, thầy cô trung thực để học sinh trung thực. Nhưng thầy cô phải trung thực bởi đó là điều quan trọng nhất của thầy cô, cũng là điều mà mỗi người phải có... Phát triển văn hóa học đường ai cũng biết là phải làm gì nhưng có làm được hay không? Theo tôi là làm được không khó. Từ nhận thức đến hành động, con đường ngắn nhất là đi qua trái tim, dạy cho trẻ em có cảm xúc, cho các em hiểu rằng bất kỳ hành động nào của các em cần có trách nhiệm, gắn với cộng đồng. Tôi nghĩ đây là điều mà giáo dục phải làm. Và chúng ta làm để cho chúng ta, cho ngày hôm nay, không phải là làm cho học sinh, cho tương lai xa" - GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói.

Ngọc Phương