Làm rõ trách nhiệm để yêu cầu giải quyết dứt điểm

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 07:33 - Chia sẻ
Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang, cần tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại địa phương, tập trung vào các vụ việc cụ thể, khiếu kiện phức tạp kéo dài, đông người. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết, Thường trực HĐND tổ chức hội nghị với các cấp, các ngành liên quan làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trên cơ sở đó có kiến nghị để giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Giám sát ngay từ đầu các vụ việc khiếu nại, tố cáo

Đối với cấp tỉnh, bên cạnh lịch tiếp công dân thường xuyên, Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang duy trì việc tiếp, đối thoại với công dân định kỳ ngày 15 hàng tháng với Chủ tịch UBND tỉnh tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh; đồng thời, phân công 1 chuyên viên trực tiếp tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Qua đó, tham gia ý kiến và giám sát trực tiếp việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân của Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành chức năng. Phân công Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh tham gia Tổ tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp cận giám sát ban đầu các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cử tri thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, Kiên Giang kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh.
Ảnh: Văn Phụng

Thường trực HĐND cấp huyện đã ban hành Thông báo lịch tiếp công dân của cấp mình, phân công tiếp công dân cho Thường trực, Chủ tịch, đại biểu HĐND cấp huyện tại trụ sở HĐND huyện và Ban tiếp công dân cùng cấp. Hình thức tiếp công dân được thực hiện đa dạng như tiếp tại cơ quan, nơi đại biểu ứng cử. Hầu hết Thường trực HĐND cấp xã xây dựng Thông báo, lịch phân công tiếp công dân; một số xã chỉ phân công Phó Chủ tịch HĐND không phân công Chủ tịch HĐND tiếp công dân. Đa số các xã chưa phân công tiếp công dân cụ thể cho đại biểu mà chỉ thực hiện trực tại ấp, khu phố, khi có vụ việc thì trực tiếp giải thích hoặc hòa giải, tuyên truyền vận động là chính.

Nhìn chung, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thực hiện khá tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, hướng dẫn, giải thích pháp luật kịp thời khi người dân đến khiếu nại. Thường trực HĐND tỉnh, huyện tiếp dân định kỳ tại Trụ sở làm việc của HĐND. Đại biểu HĐND tỉnh, huyện tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cùng cấp theo quy định. Việc xem xét, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Thường trực và đại biểu HĐND ba cấp thực hiện bảo đảm đúng theo quy trình, thủ tục. Từ đó, nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài đã được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết dứt điểm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tập trung giám sát các vụ việc khiến nại tố cáo kéo dài

Trên thực tế, tiếp công dân là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình hoạt động thường xuyên của đại biểu và các cơ quan HĐND. Vì vậy, Thường trực HĐND các cấp cần chủ động bố trí, xếp lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND cụ thể để đại biểu chủ động tiếp công dân. Khi tiếp công dân, đại biểu lắng nghe ý kiến của công dân trình bày, ghi chép ý kiến đầy đủ giúp cho vụ việc được ghi nhận và giải quyết tốt. Trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung thì người tiếp công dân yêu cầu họ cử đại diện để trình bày trung thực sự việc. Cần định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn cho đại biểu HĐND và công chức giúp việc về kỹ năng tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thông thường khi công dân đến gặp đại biểu HĐND để trình bày các yêu cầu thì hầu như các vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo chấm dứt khiếu nại, Thường trực và đại biểu HĐND tiếp công dân chủ yếu là nắm tình hình sự việc để tuyên truyền, giải thích cho công dân hiểu và thi hành các quyết định có hiệu lực pháp luật; đồng thời, Thường trực HĐND thông báo bằng văn bản cho công dân biết và không tiếp tục đến khiếu nại nữa.

Yêu cầu thực tế đặt ra là cần tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo tại địa phương, tập trung vào các vụ việc cụ thể, khiếu kiện phức tạp kéo dài, đông người. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng nhiều năm chưa giải quyết, Thường trực HĐND tổ chức hội nghị với các cấp, các ngành liên quan làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, trên cơ sở đó có kiến nghị để giải quyết dứt điểm. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo kinh nghiệm thực tế của Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang, các vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất đông người, ngoài nguyên nhân cơ bản do tính chất sự việc bức xúc, phức tạp có thể còn do mâu thuẫn nội bộ, do một số người có động cơ không đúng kích động, xúi giục và lôi kéo người trong gia đình, dòng họ, người thuộc diện chính sách... và một số quần chúng khác đi cùng, gây sức ép với cơ quan nhà nước các cấp. Trong những tình huống đó, đại biểu HĐND và cán bộ tiếp dân phải hết sức bình tĩnh, có cách ứng xử linh hoạt. Trước hết, cần nắm bắt nội dung cơ bản của việc khiếu nại, tố cáo, các thông tin về nhân thân những cá nhân “đại diện” trong việc khiếu nại, tố cáo báo cáo với Thường trực HĐND cùng cấp để xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết theo quy định.

HƯƠNG PHẠM