Làm rõ các mảng màu bức tranh giảm nghèo đa chiều

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:36 - Chia sẻ
Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội (Nghị quyết 76) về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi mục tiêu và điều chỉnh chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững, đặt ra nhiều yêu cầu về đổi mới công tác hoạch định chính sách, phương thức quản lý, điều hành… Tại phiên họp toàn thể mới đây của Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhằm thẩm tra báo cáo của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 76, các thành viên Ủy ban đánh giá, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết, công tác giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn đó tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước chưa được khắc phục.

Các mục tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết, các mục tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Cụ thể, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85% năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%.

Bên cạnh đó, 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5% và 14/64 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhiều thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội đánh giá cao kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chính phủ. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, đọc báo cáo của Chính phủ thấy “phấn khởi và lạc quan nhiều”, mặc dù vẫn còn những tồn tại nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực trong thực hiện Nghị quyết 76. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 76 trong đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, tinh thần chủ đạo của Nghị quyết là chuyển sang chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều và hỗ trợ có điều kiện. Sau 5 năm thực hiện, 2/3 số mục tiêu cụ thể đã đạt được, bước đầu tích hợp được các chính sách, tăng nguồn lực, từng bước bỏ dần chính sách cho không và thay bằng hỗ trợ có điều kiện. Đối tượng cũng tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những điểm sáng, việc thực hiện Nghị quyết 76 vẫn chưa khắc phục được một số tồn tại, hạn chế cơ bản trong thực hiện giảm nghèo giai đoạn trước được chỉ rõ trong Nghị quyết. Cụ thể, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng… Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do quá trình chuyển đổi, tích hợp chính sách khó khăn. Việc xác định áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều có điểm chưa hợp lý. Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn trung ương và bị phân tán, dàn trải bởi nhiều chính sách giảm nghèo…

ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) phát biểu về báo cáo của Chính phủ về thực hiện NQ 76  

Ảnh: T.Chi 

Vốn chậm, vốn ít, vốn không đủ... nhưng vẫn giảm nghèo nhanh

ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, nguồn lực cho các chương trình giảm nghèo là khá lớn dù các địa phương nói chưa đáp ứng mong muốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn lực này đến với người nghèo còn có khoảng cách vì sự manh mún, phân tán, dàn trải, và nhất là nằm ở khâu... trung gian. Đại biểu cho biết, đi cơ sở thấy nguồn lực nằm ở khâu trung gian thì hiệu quả đầu tư có mức độ, có dự án hiệu quả không cao. Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị, cần quan tâm hơn tới việc phân bổ nguồn lực cho giảm nghèo hợp lý.

Nêu lên điểm đáng lưu ý trong thực hiện Nghị quyết 76 là nguồn lực tập trung cho chương trình giảm nghèo bền vững chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, việc phân bổ, bố trí nguồn lực cho chương trình còn chậm, phân bổ không vào đầu chương trình mà vào cuối chương trình. “Đến cuối năm, nguồn vốn vẫn chưa phân bổ đủ, nhưng tại sao báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 76 vẫn là cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ (?). Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi, so với mặt bằng chung, việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là có tiến bộ, nhưng so với mục tiêu của Nghị quyết 76 là “có vấn đề”. Bởi lẽ, tại sao vốn chậm, vốn ít, vốn không đủ, nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước nhưng chúng ta lại giảm nghèo nhanh như thế?

Một số thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng băn khoăn về tình trạng tỷ lệ hộ nghèo phát sinh ở một số huyện, tỉnh nghèo thấp hơn ở một số tỉnh kinh tế khá giả. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chậm hơn so với tỷ lệ hộ nghèo… Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phân tích rõ nguyên nhân của những vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, kết quả thực hiện Nghị quyết 76 là tích cực và cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là gương sáng trong giảm nghèo. Đạt được thành công này là nhờ sự vào cuộc của cả xã hội, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong đó là ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân có bước tiến rõ rệt. Một ví dụ điển hình về ý thức vươn lên thoát nghèo là cụ Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã để xin ra khỏi diện hộ nghèo. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, “chúng ta có rất nhiều người như cụ Mơ, nhiều người tự nguyện không nhận chính sách để nhường cho người khác”.

Chúng ta mong muốn đưa thật nhiều hộ nghèo thoát nghèo nhưng mong muốn phải trên cơ sở thực tiễn. Với cách đặt vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo không phải câu chuyện ngày một, ngày hai mà phải rất kiên trì. Cũng theo Bộ trưởng, không riêng Việt Nam mà cả thế giới đang kiên trì trong cuộc đấu tranh giảm nghèo. 

Về nguyên nhân tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chậm hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất gần, rất mong manh trong khi khoảng cách giữa hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo lại rất xa. "Hôm nay đang là người nghèo và đã thoát nghèo nhưng chỉ cần một trận mưa bão thôi, một con bò, con bê mất thôi là lại trở thành người nghèo”, Bộ trưởng nêu thực tế.

Làm rõ về “nghịch lý” tỷ lệ hộ nghèo phát sinh ở một số tỉnh thuộc diện kinh tế khá giả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là việc tách hộ để được hưởng chính sách nghèo, cận nghèo, giải quyết nhà ở, đất ở… Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng trục lợi chính sách chủ yếu xảy ra ở các hộ cận nghèo. Nguyên nhân là vì mặc dù chúng ta đã chuyển hẳn sang xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều nhưng nhiều địa phương vẫn “chơi bài” bình xét để ưu tiên, ưu ái, tạo điều kiện cho một số trường hợp. “Nhờ gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua mới giúp phát hiện ra nhiều hộ cận nghèo thực chất không nghèo tí nào”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. 

Nhật An